Xuất khẩu cá tra Việt Nam - Bài 1: Khơi thông thị trường mới

08:58' - 30/12/2018
BNEWS Ngoài những thị trường khó tính, trong năm 2018, ngành cá tra cũng đã có chiến lược khơi thông những thị trường đang phát triển và đầy tiềm năng khác tại khu vực châu Á như thị trường Trung Đông.
Ngành cá tra cũng đã có chiến lược khơi thông những thị trường đang phát triển và đầy tiềm năng khác. Ảnh: TTXVN

Mặc dù ngành chế biến xuất khẩu ca tra Việt Nam đối diện với nhiều vấn đề như nguồn cung nguyên liệu thiếu, đẩy giá nguyên liệu lên cao khiến cho các doanh nghiệp phải cố gắng xoay sở nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng đã ký.

Cùng với đó là những biến động nguồn cung của thế giới, khiến con cá tra Việt Nam tăng thêm sức ép cạnh tranh nếu muốn giữ vững thị trường hiện nay.

Thế nhưng, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản vẫn đưa ngành cá tra hát vang ca khúc khải hoàn vào thời điểm kết thúc năm 2018 và dự báo có thêm nhiều cơ hội mới trong năm 2019.

Bài 1: Một năm thắng lợi lớn

Ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2018 được đánh giá có sự bứt phá ngoạn mục, với trị giá xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, đạt 2,26 tỷ USD.

Người nuôi cá tra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có một năm thu lãi lớn, với giá thành sản xuất khoảng 21.000 đồng/kg, nhưng có thời điểm giá bán cá thương phẩm đạt 35.000 - 36.500 đồng/kg; các doanh nghiệp xuất khẩu cũng có một năm khởi sắc khi mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh được xuất khẩu mạnh vào thị trường Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, mặc dù bị các nước nhập khẩu tăng áp thuế chống bán phá giá, cũng như đưa các tiêu chuẩn "hàng rào kỹ thuật" cao.

*Bứt phá để ngang tầm quốc tế

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2018, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt gần 2,26 tỷ USD, tăng 15% so với kế hoạch đề ra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, đây là đỉnh cao của ngành chế biến, xuất khẩu cá tra từ trước đến nay.

Để có được kết quả này, toàn ngành cá tra đã nỗ lực hết mình để làm thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá của các thị trường dành cho toàn quy trình nuôi cá tra tại Việt Nam; trong đó, phải kể đến thành quả đạt được là Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công nhận quy trình nuôi cá tra tại Việt Nam tương đương với quy trình nuôi cá da trơn tại Mỹ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, trong suốt 16 năm liên tục, kể từ ngày 28/6/2002, con cá tra Việt Nam đã chống chọi với hàng rào thuế chống bán phá giá, một loại thuế được nước Mỹ dùng để bảo vệ cho cá tuyết, một loại cá da trơn được nông dân Mỹ sản xuất và cung ứng cho thị trường này.

Đồng thời, trong giai đoạn 2014 -2016, hình ảnh con cá tra Việt Nam bị bôi nhọ tại thị trường châu Âu đã làm cho giá cá tra giảm sâu, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất cá tra của người dân đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người treo ao, chuyển nghề khác để mưu sinh khi con cá tra bị thất thế.

Nhưng đến giữa năm 2018, ngành cá tra Việt Nam đã đón các đoàn thanh tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ đến kiểm tra thực tế sản xuất tại Việt Nam.

Kết quả là Cục kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất công nhận cá tra, cá ba sa Việt Nam có hệ thống kiểm soát chất lượng tương đương với cá da trơn Mỹ và đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ.

Tại thị trường châu Âu, hình ảnh của con cá tra cũng được khôi phục, các sản phẩm cá tra đông lạnh và cá tra chế biến đã được nhiều siêu thị tại Pháp, Tây Ban Nha, Đức,… đưa lên kệ trưng bày và được người tiêu dùng của các quốc gia này lựa chọn.

Bên cạnh đó, cũng trong năm 2018, sản phẩm cá tra chế biến như cá tra tẩm gia vị, cá tra tẩm bột, cá tra xiên que cũng đã được thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đón nhận mạnh mẽ, trở thành sự lựa chọn song song với các sản phẩm thủy sản khác như cá ngừ, cá hồi,…

Điều này cho thấy, chất lượng và hình ảnh cá tra Việt Nam đã được nâng tầm và đường hoàng bước chân vào thị trường khó tính nhất nhì trên thế giới. Khi được sự công nhận này, thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam được giảm.

Đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ có uy tín như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Thủy sản Phương Đông có mức thuế giảm về 0% đã giúp thị trường tiêu thụ cá tra này tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, qua phân tích thị trường tiêu thụ cá tra trong năm 2018 cho thấy, Mỹ tăng trưởng cao nhất với tốc độ 54,5%, chiếm hơn 24% thị phần cá tra Việt Nam, trở lại vị trí tiêu thụ cá tra Việt Nam số 1 sau thời gian dài bị Trung Quốc qua mặt.

Thị trường Trung Quốc với mức tăng trưởng hơn 29%, chiếm 23,7% thị phần cá tra Việt Nam.

Riêng thị trường châu Âu cũng khôi phục mạnh mẽ sau thời gian con cá tra Việt Nam bị bôi nhọ tại thị trường này, với mức tăng trưởng 17% so với năm 2017.

*Khơi thông thị trường mới

Dác doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản vẫn đưa ngành cá tra hát vang ca khúc khải hoàn vào thời điểm kết thúc năm 2018. Ảnh: TTXVN

Ngoài những thị trường khó tính, trong năm 2018, ngành cá tra cũng đã có chiến lược khơi thông những thị trường đang phát triển và đầy tiềm năng khác tại khu vực châu Á như thị trường Trung Đông.

Tại thị trường này, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Ai Cập và Ả Rập Xê Út là 3 thị trường lớn nhất nhập khẩu cá tra Việt Nam tại khu vực này.

Ước tính, trong năm 2018, thị trường này đã nhập khẩu 290 triệu USD cá tra của Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản đánh giá, thị trường Trung Đông là một thị trường mới của cá tra Việt Nam.

Đây là loài thủy sản nên sẽ dễ dàng vượt qua các yêu cầu liên quan đến tìn ngưỡng, tôn giáo của các quốc gia tại thị trường này.

Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản muốn khơi thông thị trường Trung Đông, phải thực hiện các yêu cầu về chương trình chăn nuôi Halal đối với các sản phẩm, thức ăn chăn nuôi, cơ sở sản xuất giống cá tra Việt Nam phải có chứng nhận Halal, để lưu thông sản phẩm thuận lợi hơn tại đây.

Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc cũng được nhận định là thị trường tốt để nâng cao năng lực xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận xét, vận chuyển cá tra từ đồng bằng sông Cửu Long đi từ biển đến Thượng Hải, Thẩm Quyến cũng bằng thời gian vận chuyển bằng đường bộ đi qua biên giới phía Bắc.

Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp bị kiểm soát chặt khi nhập khẩu qua đường biên mậu thì vẫn không bị ảnh hưởng nhiều.

Tuy nhiên, dù thị trường Trung Quốc là thị trường tiềm năng lớn về tiêu thụ cá tra Việt Nam, lại là thị trường vừa gần, vừa có nhu cầu sản phẩm đa dạng nhưng lại ẩn chứa nhiều rủi ro.

Tại buổi tọa đàm Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt nam vào Trung Quốc vừa diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, Trung Quốc hiện đang là thị trường tiêu thụ chính các loại nông sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường này ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác rõ ràng và ưu tiên nhập khẩu qua đường chính ngạch.

Đến tháng 6/2019, toàn bộ nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc phải đảm bảo các điều kiện trên.

Để làm được, các doanh nghiệp Việt Nam; trong đó có doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cần nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm rõ nhu cầu thị trường để định hướng sản xuất cho phù hợp./.

Bài 2: Chú trọng giá trị ứng biến thị trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục