Xuất khẩu của Thái Lan duy trì đà tăng trưởng

07:00' - 07/03/2022
BNEWS Xuất khẩu của Thái Lan đang duy trì đà tăng trưởng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 1/2022 nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi.
Xuất khẩu của Thái Lan đang duy trì đà tăng trưởng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 1/2022 nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi, tình trạng thiếu container giảm bớt và các chương trình khuyến mãi của các cơ quan chức năng.

Bộ Thương mại Thái Lan hôm 2/3 cho biết xuất khẩu đã thông quan của nước này đạt 21,3 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 20,5% lên 23,7 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại 2,52 tỷ USD.
 

Theo Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit, nền kinh tế Thái Lan đang trên đà phục hồi, với việc chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của Thái Lan đứng trên 50 điểm trong 19 tháng liên tiếp. Tình trạng thiếu container cũng đang giảm bớt, đặc biệt là tại cảng Laem Chabang, cảng Bangkok và các cảng quan trọng ở Mỹ, trong khi khu vực tư nhân đồng ý kéo dài giờ làm việc vào các ngày lễ và tăng giờ làm việc vào ban đêm để nâng cao lưu lượng cung cấp container.

Bộ Thương mại tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 3-4% trong năm nay bất chấp một loạt các yếu tố rủi ro như giá dầu tăng do căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine.

Ông Jurin nói sau khi chủ trì cuộc họp chung giữa các quan chức cấp cao của Bộ Thương mại và khu vực tư nhân rằng căng thẳng ở Ukraine vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến thương mại của Thái Lan.

Theo ông Jurin, xuất khẩu của Thái Lan sang Nga và Ukraine được coi là không đáng kể, với giá trị xuất khẩu sang Nga chỉ chiếm 0,38% tổng kim ngạch xuất khẩu năm ngoái, tương đương khoảng 1,02 tỷ USD. Xuất khẩu của Thái Lan sang Ukraine đạt tổng cộng 135 triệu USD hay 0,05% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan.

Ông Jurin cho biết sẽ có tác động nhẹ đối với các lô hàng lốp xe, thực phẩm chế biến, đá quý và mỹ phẩm xuất khẩu sang Nga và Ukraine. Về lâu dài, cuộc khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến chi phí giao dịch tài chính và vận tải hàng hóa do giá dầu cao hơn.

Về tác động gián tiếp của cuộc khủng hoảng, ông Jurin cho biết Thái Lan có thể thấy giá cao hơn đối với năng lượng hoặc thép nhập khẩu được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất đồ hộp và vật liệu xây dựng. Ngũ cốc nhập khẩu để làm thức ăn chăn nuôi như lúa mì và ngô có thể trở nên đắt hơn, vì Nga và Ukraine là những nước sản xuất và xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.

Ông nói rằng Bộ Thương mại đã chuẩn bị các biện pháp để bù đắp tác động đó bằng cách tìm kiếm các thị trường thay thế như Trung Đông, châu Phi và Mỹ - Latinh. Bộ Thương mại cũng có kế hoạch nhắm vào các thị trường cho các sản phẩm mà Nga và Ukraine không thể xuất khẩu, như sắn thay thế cho ngô của Ukraine cũng như các sản phẩm cao su và thực phẩm chế biến.

Trong khi đó, Ủy ban hỗn hợp thường trực về thương mại, công nghiệp và ngân hàng (JSCCIB) lo ngại căng thẳng Nga-Ukraine sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Thái Lan sẽ giảm xuống mức 2,5% trong năm nay so với mục tiêu đặt ra trước đó là 3-4,5%.

JSCCIB vẫn duy trì dự báo tăng trưởng xuất khẩu ở mức 3-5% trong năm nay do Nga và Ukraine không phải là thị trường lớn của các nhà xuất khẩu Thái Lan. Tuy nhiên, căng thẳng  kéo dài có thể giáng một đòn mạnh vào các đối tác thương mại lớn của Thái Lan như Liên minh châu Âu (EU), đồng thời làm chậm lại nền kinh tế toàn cầu. Điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu của Thái Lan.

Năm 2021, xuất khẩu của Thái Lan tăng 17,1% lên 271 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 29,8% lên 268 tỷ USD, dẫn đến thặng dư thương mại 3,57 tỷ USD. Bộ Thương mại dự đoán xuất khẩu của Thái Lan sẽ tăng 3-4% trong năm 2022 lên 270-282 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục