Xuất khẩu dệt may năm 2020 ước đạt hơn 35 tỷ USD

17:08' - 01/12/2020
BNEWS Chiều 1/12, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã chủ trì cuộc họp báo thông tin về Đại hội nhiệm kỳ VI (2020-2025) - Tổng kết năm 2020.

Thông tin tại cuộc họp, ông Vũ Đức Giang cho biết, năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may ước đạt 35,27 tỷ USD, giảm 9,29% so với năm 2019, trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.

Kết quả này là nỗ lực đáng ghi nhận của toàn ngành, các doanh nghiệp dệt may đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động.

“Năm 2020, Vitas đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hình thành chuỗi cung ứng; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, Vitas đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước để phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương…”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Chia sẻ về tác động của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với ngành dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang cho hay, Hiệp định RCEP sẽ mang tới nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt, khác với các hiệp định khác, tại Hiệp định RCEP, quy tắc xuất xứ lại là một “điểm cộng” tương đối dễ dàng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, ngành dệt may kỳ vọng Hiệp định RCEP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có một thị trường rộng mở hơn ở thị trường Trung Quốc, khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng.

Nếu như trước đó, hàng may mặc vào các thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN, Nhật Bản; trong khi Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu trong ngành này từ Trung Quốc.

Nay với RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, RCEP tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành này dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực.

Nhận định về năm 2021, với kịch bản dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có điểm dừng, ông Giang cho rằng, đây chính là lo lắng lớn nhất. 

“Sức mua thị trường nội địa năm 2021 vẫn sẽ dậm chân tại chỗ, không có sự tăng trưởng đột phá với tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay. Khi nào chúng ta có vắc-xin, kiểm soát được COVID-19, thị trường mới có thể tươi sáng hơn", ông Giang chia sẻ.

Về kịch bản nguyên phụ liệu, năm 2021 và 2022, Việt Nam có thể vẫn thu hút nhiều dự án đầu tư sợi, dệt, nhuộm, chuyển tiếp từ 2019- 2020 sang, có thể đảm bảo phần cung thiếu hụt của dệt may Việt Nam.

Nguyên nhân là do sự thay đổi phương thức mua hàng ở các quốc gia, sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu có “trục trặc”, các nhãn hàng thời trang chấp nhận mua nguyên phụ liệu của Việt Nam, trong khi đó, các nhà máy của Việt Nam sản xuất sợi và dệt đã phát huy tốt năng lực phục vụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Dự kiến năm 2021, với khả năng kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn trên thế giới trong quý I, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 37-18 tỷ USD, có tăng trưởng nhẹ so với 2020.

Dự kiến, Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội lần thứ VI (2020-2025) và Tổng kết năm 2020 vào ngày 12/12 tới đây. Đại hội nhằm tổng kết, đánh giá các hoạt động của ngành và của Vitas trong năm 2020 nói riêng và cả giai đoạn 2016-2020; chỉ ra những thuận lợi, thách thức lớn và các đối sách ứng phó để đưa ngành dệt may phát triển.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục