Xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu lạc quan

21:20' - 23/05/2017
BNEWS Sau một thời gian dài rơi vào trầm lắng, tình hình xuất khẩu gạo hiện đang ấm dần với những tín hiệu khá lạc quan.
Xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu lạc quan. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Mặc dù chưa thực sự tạo ra đột biến, nhưng những tín hiệu này cũng đã góp phần giúp thị trường lúa gạo Việt Nam sôi động trở lại.

*Thị trường có dấu hiệu “ấm” dần

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 4 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 1,6 triệu tấn, với trị giá xuất FOB là hơn 701 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu gạo giảm 14,2% về khối lượng và giảm 10,6% về trị giá FOB.

Mặc dù xuất khẩu gạo của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2017 vẫn còn thấp hơn cùng kỳ năm trước khá lớn, khoảng 14%, tuy nhiên từ tháng 4 đến nay đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Số lượng gạo xuất khẩu trong tháng này đã tăng trở lại mức bình thường và cao hơn tháng trước đó cũng như cùng kỳ năm 2016.

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA cho biết, hiện xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có một số tín hiệu “ấm” lại nhờ những nhu cầu mới xuất hiện sau một thời kỳ dài trầm lắng. Đơn cử như Philippines đang xem xét nhập khẩu 250.000 tấn gạo để bổ sung tồn kho đệm trong những tháng không thu hoạch từ tháng 7-9. Mới đây, các doanh nghiệp đã đấu thầu cung cấp 40.000 tấn gạo cho Malaysia và Việt Nam cũng đã bán cho Iraq 40.000 tấn gạo Jasmines.

Còn ở thị trường Trung Quốc, tuy kiểm soát chặt chẽ việc mua bán qua biên giới nhưng lại tăng cường nhập khẩu chính ngạch. Đáng chú ý, Bangladesh có kế hoạch nhập khẩu 600.000 tấn gạo để bù đắp thiệt hại bởi mất mùa do lũ lụt; trong đó, sẽ có khoảng 50.000-100.000 tấn gạo trắng, còn lại là gạo đồ. Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia mà nước này muốn nhập khẩu gạo trong thời gian tới. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo sang thị trường này trong thời gian tới.

Dù trước đó có những lo ngại về những nguy cơ khiến vụ lúa Hè Thu có thể bị “ách tắc”, song ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cũng nhận định rằng, từ nay đến hết năm 2017, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tốt hơn so với những tháng vừa qua.

Theo ông Tuấn, trước hết là do Thái Lan đã xả gần hết lượng gạo tồn kho, phần còn lại không đáng kể. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp thương mại gạo không chỉ riêng Việt Nam mà của toàn cầu sẽ trở lại quỹ đạo cũ, không bị áp lực lớn như thời gian vừa qua. Mặ khác, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã giảm nhẹ so với trước đó, trong khi mặt bằng giá của các nguồn cung khác lại cao hơn.

Hiện giá gạo 5% tấm của Thái Lan, Ấn Độ hay Pakistan đều trên 390 USD/tấn, còn gạo Việt Nam chỉ hơn có giá khoảng 350-360 USD/tấn. Điều này giúp các doanh nghiệp cạnh tranh được với gạo của các nước.

*Thay đổi cách tiếp cận thị trường

Theo VFA, tính đến hết tháng 4/2017, các doanh nghiệp vẫn còn trên 1,1 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng song chưa giao hàng, trong đó gần 900.000 tấn là thuộc hình thức hợp đồng thương mại. Số lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu hiện tăng trở lại, chủ yếu do giá xuất khẩu giảm, có sức cạnh tranh về giá nên thu hút người mua quay lại.

Các chuyên gia cho rằng, dù không không muốn thừa nhận, nhưng gạo Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh được với các nguồn cung khác nếu có giá bán thấp hơn. Đây là một thực tế khó tránh được khi xét về mặt bằng chung, gạo Việt còn chưa có thương hiệu và chất lượng còn thấp hơn so với những nước này. Điều này cũng lý giải nguyên nhân vì sao những tháng đầu năm nay giá lúa gạo trong nước cao bất thường, kéo theo giá xuất khẩu tăng theo, nhưng doanh nghiệp lại không ký được nhiều hợp đồng mới, xuất khẩu lại chững lại.

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, một số doanh nghiệp cho rằng, những tín hiệu trên vẫn chưa đủ sức tạo sự đột biến để thay đổi cục diện cho vấn đề xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay. Vẫn không ít lo ngại về việc liệu các doanh nghiệp Việt có tiếp cận được với những nhu cầu này không.

Hiện Philippines đã chuyển sang cơ chế điều hành nhập khẩu gạo mới, thay vì tổ chức đấu thầu tập trung sang cho tự nhân mua gạo. Điều này tuy giúp các doanh nghiệp Việt chủ động tiếp cận các nhu cầu, nhưng nếu không cải thiện chất lượng, có thương hiệu, có giá bán tốt thì gạo Việt sẽ khó cạnh tranh với các nguồn cung cấp khác.

Hiện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu, giá lúa nội địa cũng đang có xu hướng nhích lên. Các doanh nghiệp đang theo dõi tình hình để mua vào nhằm đáp ứng các nhu cầu mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục