Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục gần 8,3 triệu tấn

13:09' - 07/01/2024
BNEWS Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua hầu hết đi ngang, không có nhiều biến động.
Năm 2023 là năm khá thành công trong xuất khẩu gạo của Việt Nam. Cả khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục lần lượt là gần 8,3 triệu tấn và 4,78 tỷ USD.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá các loại lúa hầu hết vẫn giữ ổn định như: Đài thơm 8 từ 9.600 – 9.800 đồng/kg, OM 18 cũng ở mức từ 9.600 – 9.800 đồng/kg; OM 5451 từ 9.500 – 9.700 đồng/kg, Nàng Hoa 9 giá từ 9.500 – 9.600 đồng/kg, IR 50404 từ 8.900 – 9.100 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg.

 
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.500 – 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa cả nước năm 2023 đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9%, do diện tích tăng 10.600 ha (tăng 0,1%) và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha (tăng 1,7%). Với sản lượng trên đã áp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gạo cao kỷ lục gần 8,3 triệu tấn.

Nhờ đó, giá trị xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục với 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.

Năm 2024, với diện tích 7,1 triệu ha gieo cấy, ngành nông nghiệp sẽ thâm canh tăng năng suất để sản lượng lúa đạt từ 43 - 43,5 triệu tấn.

Còn trong tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 653 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước đó. Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Nguồn cung vẫn ở mức thấp và chúng tôi dự đoán nhu cầu đối với gạo Việt Nam sẽ mạnh trong năm nay, đặc biệt là từ Philippines và Trung Quốc”.

Trong khi đó, giá gạo đồ xuất khẩu từ Ấn Độ tuần này đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng giữa bối cảnh giá gạo tại các quốc gia xuất khẩu gạo lớn khác cũng đồng loạt đi lên, do nhu cầu cải thiện trong lúc nguồn cung hạn chế.

Giá gạo đồ 5% tấm được giao dịch ở mức từ 510 - 517 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2023, so với mức từ 508 - 515 USD/tấn của tuần trước.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) cho biết: “Giá gạo trong nước vẫn ở mức cao bất chấp lệnh hạn chế xuất khẩu. Nguồn cung tại các thị trường đã bắt đầu chững lại do sản lượng thấp hơn”.

Chính phủ Ấn Độ đã thu mua 46,39 triệu tấn thóc trong năm tiếp thị hiện tại, giảm so với mức 53,40 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này được giao dịch ở mức 650 USD/tấn, giảm so với mức từ 655 - 660 USD/tấn của tuần trước, khi giá tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết trong khi nhu cầu từ Indonesia và Philippines đang gia tăng, dự kiến sẽ không có thêm nguồn cung cấp bổ sung cho đến vụ thu hoạch tiếp theo.

Về giá nông sản kỳ hạn của Mỹ, phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/1, giá các mặt hàng nông sản tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) biến động trái chiều, với giá ngô và đậu tương sụt giảm, còn giá lúa mì lại tăng.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 3/2024 giảm 5,75 xu, tương đương 1,23%, xuống 4,6075 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng giảm 11,25 xu, tương đương 0,89%, xuống 12,5625 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 3/2023 lại tăng 2,5 xu, tương đương 0,41%, lên 6,16 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Không khí ảm đạm bao trùm sàn giao dịch CBOT khi giá ngô và đậu tương không thể duy trì đà tăng trước đó. Giá ngô và đậu tương giao kỳ hạn đi xuống do doanh số xuất khẩu hàng tuần các mặt hàng này của Mỹ có dấu hiệu chậm lại, làm dấy lên làn sóng bán tháo.

Giá đậu tương giao kỳ hạn đang hướng tới mức hỗ trợ quan trọng 12,50 USD/bushel. Các nhà giao dịch sẽ theo dõi xem liệu Trung Quốc có đặt mua đậu tương Brazil trước Báo cáo vụ mùa của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hay không.

Báo cáo của USDA công bố hôm 5/1 cho thấy Mỹ chỉ bán được 4,8 triệu bushel lúa mỳ, 14,5 triệu bushel ngô và 7,4 triệu bushel đậu tương trong tuần cuối cùng của năm 2023. Doanh số bán ngô và đậu tương này của Mỹ là mức thấp nhất trong năm và thấp hơn nhiều so với mức trung bình để đạt được dự báo xuất khẩu hàng năm của USDA.

Trên khắp miền Bắc Brazil, trời ẩm ướt và dự báo vẫn duy trì xu hướng mưa rào hàng ngày. Mưa ở miền Nam Brazil và Argentina sẽ bắt đầu vào cuối tuần này.

Về giá cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/1, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London nối tiếp đà hồi phục trước đó. Cụ thể, giá cà phê Robusta tại thị trường London (Anh) giao tháng 3/2024 tăng thêm 9 USD, lên 2.795 USD/tấn, trong khi loại giao tháng 5/2024 tăng thêm 13 USD, lên 2.727 USD/tấn.

Trái lại, tại thị trường New York, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp tục sụt giảm phiên thứ ba liên tiếp. Cụ thể, giá cà phê Arabica giao tháng 3 giảm 2,75 xu, xuống 182,8xu/lb, trong khi loại giao tháng 5/2024 giảm 2,40 xu, còn 181,10 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg).

Theo Barchart.com, nguồn cung cà phê Robusta khan hiếm đã đẩy giá cà phê giao ngay lên mức cao kỷ lục.

Chỉ số đồng USD tiếp tục sụt giảm, bất chấp dữ liệu việc làm tháng 12 của Mỹ tốt hơn dự báo. Các sàn chứng khoán vẫn giữ được sắc xanh khiến giá cả hàng hóa các loại rơi vào thế bất lợi do lo ngại triển vọng cắt giảm lãi suất sẽ sớm diễn ra khi nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo các nhà quan sát, đồng real của Brazil tăng 0,71% so với đồng USD, khiến người Brazil hạn chế xuất khẩu cà phê.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục