Xuất khẩu gạo gặp khó

15:38' - 25/09/2015
BNEWS Lúa gạo Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, chịu áp lực cạnh tranh từ các nước láng giềng như: Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar...

Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Lương thực TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Huệ-TTXVN
Thông tin trên được ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ đưa ra tại Hội thảo giải pháp tài chính cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng lúa gạo, vật tư nông nghiệp và vật tư thủy sản, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức ngày 25/9.

Ông Võ Hùng Dũng cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, xuất khẩu gạo gặp khó và rơi vào tình trạng suy giảm cả về sản lượng lẫn giá trị. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng qua, xuất khẩu gạo ước đạt 4,1 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 1,76 tỷ USD, giảm 8,6% về khối lượng và giảm hơn 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Theo ông Dũng, lúa gạo Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, chịu áp lực cạnh tranh từ các nước láng giềng như: Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar...

Cụ thể, Trung Quốc thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% thị phần xuất khẩu đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh. Nếu năm 2012 - 2013, khoảng 65% gạo nhập khẩu của Trung Quốc là từ Việt Nam thì đến năm 2014 giảm còn 53%.

Tính đến hết 4 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chỉ còn 47% và từ nay đến cuối năm 2015 dự đoán sẽ còn gặp khó do cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan và Campuchia.

Thêm vào đó, 2 thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam là Phillippines (chiếm 12%) và Indonesia (chiếm 5% thị phần xuất khẩu) cũng đang có chiến lược gia tăng sản xuất nhằm từng bước tự cung về lương thực.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu lúa gạo. Năm 2014 xuất khẩu lúa gạo Việt Nam đạt hơn 6,3 triệu tấn với trị giá đạt 2,93 tỷ USD.

Năm 2015 là năm thứ 6 Chính phủ thực hiện chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo, một trong những phương thức hỗ trợ người nông dân tiêu thụ lúa gạo với giá ổn định. Trong đó, vụ Đông Xuân 2014 -2015, việc tạm trữ 1 triệu tấn gạo được cơ quan chức năng và người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá là đúng đắn và kịp thời.

Đặc biệt, việc giữ giá lúa ổn định giúp nông dân yên tâm sản xuất, đảm bảo lợi nhuận cho các tác nhân trong chuỗi cung ứng thời điểm lúa thu hoạch rộ...

Kho gạo xuất khẩu của Công ty lương thực Đồng Tháp. Ảnh: Đình Huệ-TTXVN
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện chiếm 53% diện tích sản xuất và gần 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước. Thực tế cho thấy, số đông nông dân trồng lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thể làm giàu từ cây lúa.

Ngành lúa gạo Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng còn bộc lộ bất cập, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Chất lượng sản phẩm không đồng đều, chưa xây dựng được thương hiệu và đặc biệt giá lúa gạo luôn biến động khi vào mùa thu hoạch...

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Huỳnh Thế Năng đã đưa ra một số nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nâng năng lực cạnh tranh. Trong đó, nhóm giải pháp về vốn vay giúp doanh nghiệp xuất khẩu vay tạm trữ lúa gạo là giải pháp lâu dài ổn định sản xuất, xuất khẩu.

Bên cạnh đó giảm thiểu rủi ro cho các tác nhân trong chuỗi từ khâu sản xuất, xử lý thu hoạch, bảo quản tồn trữ, lưu thông phân phối, mục tiêu xa hơn là xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt.

Tại hội thảo, Ngân hàng TMCP phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) đã giới thiệu với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Đồng bằng sông Cửu Long chương trình tài trợ sản xuất kinh doanh gạo, với nhiều hình thức như: cho vay tài trợ xuất khẩu gạo trực tiếp, tài trợ xuất khẩu gạo thông qua ủy thác.../.

Thanh Sang

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục