Xuất khẩu hồ tiêu: Tăng về sản lượng nhưng giảm về giá trị

15:08' - 29/09/2017
BNEWS Trên thị trường thế giới, giá hồ tiêu Việt Nam đang giảm ở mức thấp khiến ngành hồ tiêu Việt Nam mất vị trí “cầm trịch”.

Giá hồ tiêu hạt khô thị trường trong nước ngày 29/9/2017 ở mức 83.000 – 84.000 đồng/kg, tuy không ở mức cao như cùng kỳ năm 2016, nhưng vẫn đảm bảo có lãi cho những người trồng tiêu lâu năm, diện tích lớn. Mặc dù vậy, so với thị trường thế giới, giá hồ tiêu Việt Nam đang giảm.

Trồng tiêu sạch vẫn có lãi

Khi giá hồ tiêu tăng cao trên thị trường thế giới, ngành hồ tiêu Việt Nam mở rộng sản xuất, đặc biệt là những nông hộ đang trồng các loại cây có giá trị thấp hơn như cà phê, cao su đã chuyển sang trồng tiêu.

Thu hoạch hồ tiêu sạch. Ảnh: Cao Phong/TTXVN

Thực tế này thúc đẩy số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hồ tiêu tăng lên để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, đưa ngành hồ tiêu Việt Nam đóng góp hơn 50% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu.

Tuy nhiên, khi tăng diện tích sản xuất trong nước mà không tính đến sự gia tăng diện tích của các quốc gia khác trên thế giới nên sau một thời gian tăng trưởng nóng, ngành tiêu Việt Nam rơi vào tình trạng cung vượt cầu như nhiều quốc gia khác nên xảy ra tình trạng có thời điểm giá tiêu đạt 200.000 đồng/kg, nay giảm chỉ còn 84.000 đồng/kg, nhiều nông hộ nhỏ gặp thua lỗ.

Các chuyên gia ngành hồ tiêu Việt Nam cũng đưa ra dự báo, với sản lượng tiêu toàn cầu tăng vọt hiện nay, giá hồ tiêu thị trường trong nước khó tăng cao như mong muốn. So với các quốc gia như: Indonesia, Malaysia, Ấn Độ… giá tiêu của Việt Nam thấp hơn nhiều.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, tại Ấn Độ, giá tiêu đen Malabar nội địa và xuất khẩu cao gấp đôi so với giá hồ tiêu của Việt Nam. Cụ thể, tại Indonesia, giá tiêu Lampung đạt mức 6.688 USD/tấn, giá tiêu Sarawak và Asta của Malaysia đạt mức 7.650 USD/tấn. Trong khi đó, giá hồ tiêu của Việt Nam ở mức 4.518 USD/tấn.

Theo thống kê Tổng cục Hải quan, ước tính xuất khẩu hồ tiêu trong 9 tháng năm 2017 đạt 180.000 tấn, với kim ngạch 965 triệu USD, tăng 22,2% về sản lượng, nhưng giảm 19,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Qua khảo sát của phóng viên TTXVN ở các địa bàn trồng tiêu khu vực Đông Nam bộ, từ đầu tháng 9 đến nay, giá hồ tiêu thương lái thu mua biến động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg.

Ông Lê Đình Thường, một nông hộ trồng 4 ha tiêu sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cho biết, dù giá tiêu hiện không cao nhưng gia đình ông vẫn thu lợi nhuận khoảng 20%. Những hộ sản xuất diện tích lớn, mức lợi nhuận này cũng đủ xoay vòng sản xuất. Chỉ những hộ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thiếu trình độ kỹ thuật khó "cầm cự", vì lợi nhuận ít, không xoay vòng được.

Quy hoạch theo mã số vùng để quản lý

Diện tích sản xuất hồ tiêu cả nước đạt khoảng 130.000 ha (theo thống kê của Cục Trồng trọt), vượt quy hoạch định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030 hơn 250%.

Nhiều chuyên gia ngành hồ tiêu cho rằng, tốc độ như vậy là quá nhanh bởi khi tăng diện tích đồng nghĩa với việc sản lượng hồ tiêu Việt Nam cung ứng từ 30% toàn cầu lên hơn 50%, thậm chí có khả năng chỉ riêng hồ tiêu Việt Nam sẽ chiếm 100% nhu cầu toàn cầu nếu tiếp tục tăng diện tích sản xuất hồ tiêu.

Theo ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai, với đà phát triển diện tích sản xuất tiêu, cộng với thu hoạch tiêu thuận lợi như vụ mùa 2016 – 2017 thì năm 2018, hồ tiêu Việt Nam khó giữ được mức giá như hiện nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có quy hoạch cụ thể và phải siết quản lý quy hoạch nếu không muốn giá hồ tiêu tiếp tục giảm sâu trong niên vụ 2018.

Trước biến động giảm giá hồ tiêu, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh sản xuất tiêu trọng điểm như Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai... có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư, tổ chức liên kết sản xuất lớn theo quy trình đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Đồng thời, các doanh nghiệp và nông dân trồng tiêu phải chỉ ra được những địa điểm trồng tiêu đúng quy trình kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra các thị trường khó tính, Bộ sẽ cấp mã số vùng trồng, quản lý sát diện tích này, tránh vỡ quy hoạch, gây thừa sản lượng.

Bên cạnh đó, các địa phương trồng tiêu trọng điểm phải tổ chức cho doanh nghiệp và người sản xuất hồ tiêu xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. Khi xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung, phía doanh nghiệp liên kết tiến hành đầu tư kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trồng tiêu cho nông dân theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và tiến tới xây dựng thương hiệu cho những vùng nguyên liệu tập trung.

Những địa phương có diện tích hồ tiêu tự phát, nhỏ lẻ, chính quyền địa phương phải đưa ra cảnh báo giá tiêu sẽ xuống thấp vì nguồn cung vượt cầu, vận động người sản xuất mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng khác trong thời gian sớm nhất để tránh thiệt hại về thu nhập và sinh kế.

>>>Hàng ngàn trụ hồ tiêu ở Đắk Lắk bị cháy lá, rụng đốt một cách bất thường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục