Xuất khẩu nông lâm thủy sản đối mặt với khó khăn "kép"

10:43' - 17/11/2015
BNEWS Nhiều chuyên gia cho rằng, do một thời gian dài nông nghiệp Việt Nam luôn phải đối mặt khó khăn “kép”, khả năng khó có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu cũng như tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng.
Chế biến gạo tại Công Lương thực Tiền Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Mục tiêu xuất khẩu của nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản năm 2015 là 32 tỷ USD. Tuy nhiên, mục tiêu này có lẽ khó đạt được khi kết thúc tháng 10/2015, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 24,61 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia cho rằng, do một thời gian dài nông nghiệp Việt Nam luôn phải đối mặt khó khăn “kép”, khả năng khó có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu cũng như tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng.

Sau thành công ấn tượng của năm 2014, bước vào 2015, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam đã trải qua một đợt suy giảm dài bất thường. Sang quý II/2015, mặc dù có chút khởi sắc trở lại nhưng ngay sau đó, trao đổi thương mại quốc tế của mặt hàng này lại có xu hướng giảm trở lại. 

Lý giải nguyên nhân trên, bà Nguyễn Thị  Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, có hai lý do chính mà ngành gọi là khó khăn “kép” khiến ngành có kim ngạch xuất khẩu 10 tháng giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Đó là thời tiết và thị trường.

Bên cạnh đó là những tác động do ảnh hưởng từ tỷ giá hối đoái như : đồng usd tăng giá, euro mất giá hay động thái điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc… đều gây một số tác động tiêu cực tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và nông lâm thủy sản nói riêng.

Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chủ lực của  Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản... vừa giảm nhu cầu nhập khẩu vừa tăng cường nhiều biện pháp rào cản kỹ thuật.

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Hầu hết các quốc gia trên thế giới, nguồn cung hàng nông sản tăng, lượng tồn kho cao ở nhiều nước khiến cho cạnh tranh càng trở nên gay gắt hơn. Trong khi sức tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu tạo sức ép giảm giá. Đặc biệt, là mặt hàng lương thực, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn trong việc ký kết các đơn hàng mới.

Đơn cử như mặt hàng gạo, bà Nguyễn Thị Hồng cho hay, nhu cầu và sự tham gia thị trường nông sản của các quốc gia mới như Mianma, Campuchia, trở thành những đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo lớn hơn rất nhiều so với vài năm trước.

Đối với mặt hàng thủy sản, tình trạng tương tự cũng đang xảy ra. Qua 10 tháng, thủy sản xuất khẩu vẫn giảm 17,7% (đạt gần 5,37 tỷ USD). Trong đó, mặt hàng chủ lực là tôm đã có sự giảm sút mạnh 27%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đồng USD tăng mạnh, khiến cho các nước đổ xô xuất khẩu tôm sang Mỹ. Các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu tôm với Việt Nam như Ấ Độ, Indonesia, Ecuador, Trung Quốc... phá giá đồng tiền mạnh đã có lợi thế xuất khẩu hơn vào Mỹ.

Hay mặt hàng cà phê, đến thời điểm này, Việt Nam đã chính thức bước vào niên vụ mới 2015-2016, nhưng tình hình tiêu thụ và xuất khẩu cà phê vẫn khá trầm lắng. Thông tin về hạn hán dự báo kéo dài ở Brazil cũng không đủ sức kéo được giá cà phê đi lên dù lượng cà phê tồn kho của nông dân và thương nhân Việt Nam đang ở mức cao và vụ thu hoạch mới đang bắt đầu.

Vận chuyển sản phẩm gạo đi tiêu thụ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đánh giá, kim ngạch xuất khẩu năm sau giảm so với năm trước là câu chuyện bình thường của tất cả các quốc gia.

Không thể trông chờ vào kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm sau luôn cao hơn năm trước, bởi đây là những mặt hàng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: nhu cầu, thời tiết, tỷ giá… 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Để phát huy được lợi thế đó, chúng ta cần phải rà soát, điều chỉnh lại về cơ cấu mùa vụ, đặc biệt phải phát triển những giống vừa có năng suất cao nhưng có chất lượng cao hơn.

Hỗ trợ nông dân áp dụng các gói giải pháp về kỹ thuật để vừa tăng năng suất, nhưng lại giảm giá thành và phát triển một cách bền vững. Cùng với đó là phát triển các khâu khác trong chuỗi giá trị như chế biến, bảo quản và tiêu thụ để đạt được hiệu quả kinh tế tổng hợp cao hơn, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.

Đối với mặt hàng lúa, gạo, Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Cục Trồng trọt cần hướng dẫn các địa phương tăng gieo trồng lúa vụ Thu Đông. Thông thường các năm trước chỉ gieo cấy khoảng 700.000 ha, nhưng vụ này năm nay đạt khoảng 830.000 ha; sản lượng lúa cả năm sẽ đạt 45,2 triệu tấn.

Sản lượng này không chỉ đáp ứng được các hợp đồng xuất khẩu gạo tăng thêm mới ký mà còn có thể tăng trưởng xuất khẩu nữa. Đây là cơ hội để nông dân tăng thêm thu nhập cũng như doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu. Hi vọng qua đây, tăng trưởng của ngành nông nghiệp sẽ tăng hơn so với dự báo, cải thiện sự tăng trưởng của ngành trong năm 2015, bà Nguyễn Thị Hồng kỳ vọng.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Công ty TNHH Huy Minh. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Không chỉ gạo, tín hiệu khởi sắc của mặt hàng thủy sản đã bắt đầu thấy rõ hơn do các nhà nhập khẩu đang tăng cường nhập hàng để dự trữ và phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Ông Nguyễn Như Tiệp chia sẻ, thủy sản Việt Nam đang xuất khẩu sang 120 quốc gia. Nhưng các doanh nghiệp vẫn cần đẩy mạnh tiếp cận tốt các thị trường, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường đặt ra.

Việc phát triển xuất khẩu thủy sản hơn nữa phụ thuộc vào năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong đàm phám để có các hợp đồng cạnh tranh với các đối thủ ở thị trường đó như thế nào.“Khi vào được chợ rồi nhưng có bán được hàng không điều này phụ thuộc vào doanh nghiệp”, ông Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh.

Trước khó khăn chồng chất trong xuất khẩu nông lâm thủy sản, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành đang điều hành sản xuất thông qua tín hiệu thị trường. Thị trường không thuận lợi, có khó khăn, phải cạnh tranh lớn thì cần hạn chế sản lượng ở mức nhất định để tăng chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh.

Để phát huy được một cách có hiệu quả những cơ hội xuất khẩu, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cần tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết và làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất các ngành hàng đó./.

Bích Hồng/BNEWS - TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục