Xuất khẩu tăng, cá tra Vĩnh Hoàn liệu có cải thiện được lợi nhuận?

15:31' - 04/07/2021
BNEWS Bên cạnh những thuận lợi về thị trường xuất khẩu phục hồi, cá tra Vĩnh Hoàn cũng phải đối diện với khó khăn khi chi phí vận tải và thức ăn cho cá tăng cao.
"Nữ hoàng cá tra" là biệt danh được giới đầu tư đặt cho bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC). Đây là doanh nghiệp có doanh thu và vốn hóa lớn nhất ngành cá tra. Năm 2021, cùng với sự hồi phục của thị trường cá tra, doanh nghiệp của bà Khanh có cơ hội gia tăng xuất khẩu và chiếm lĩnh thêm thị phần. Dù vậy, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp cũng phải đối diện với khó khăn khi chi phí vận tải và thức ăn cho cá tăng cao.

Bà Trương Thị Lệ Khanh thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hoàn (nay là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn) vào cuối năm 1997 tại phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Lĩnh vực kinh doanh của công ty là xuất nhập khẩu các mặt hàng như cá tra, basa fillet và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và cá basa.

Năm 2007, Vĩnh Hoàn chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần và niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) vào cuối năm này.

Danh mục sản phẩm của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn gồm 3 nhóm sản phẩm chính: nhóm thực phẩm: cá tra, cá chẽm fillet (phi lê); nhóm sản phẩm giá trị gia tăng: cá tẩm bột, cá tẩm gia vị, xiên que, cá nướng, snack ăn liền; nhóm thực phẩm chức năng gồm: collagen và gelatin; nhóm phụ phẩm: bột cá, mỡ cá dùng để chế biến thức ăn gia súc, mỡ cá cao cấp, vi cá, bong bóng cá dùng chế biến thực phẩm cho người.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn hiện nay là doanh nghiệp đứng đầu thị phần về nuôi trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm cá tra, cá basa và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) trong nhiều năm qua.

Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (mã chứng khoán: EVS) cho biết, nửa đầu năm 2021, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn chiếm tới 15,76% thị phần cá tra xuất khẩu, cách biệt rất lớn so với các đối thủ như Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (chiếm 5,23%), Công ty Cổ phần Nam Việt (6,73%).

Doanh thu xuất khẩu cá tra đóng góp chính vào tổng doanh thu của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC), giá trị xuất khẩu  của của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng 17,7% so với cùng kỳ, đạt 2.239 tỷ đồng, tương đương khoảng 96,5 triệu USD nhờ sản lượng tăng 27%, trong khi giá bán vẫn giảm nhẹ.

Trong kỳ, tăng trưởng xuất khẩu cá tra của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cao hơn bình quân ngành. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng 12% đạt 643 triệu USD.

Việc xuất khẩu cá tra tăng mạnh cho thấy sự hồi phục sau dịch COVID - 19 tại các thị trường xuất khẩu chính. Đây cũng là những thị trường thế mạnh của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn. Trong tháng 4 và tháng 5, giá trị xuất khẩu cá tra của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn lần lượt tăng 54,2% và 46,1% từ nền thấp trong năm 2020, nhờ Mỹ mở cửa lại nền kinh tế.

Doanh thu của doanh nghiệp sang thị trường Mỹ tăng gấp đôi trong tháng 4 và tăng gấp 3 trong tháng 5. Trong 5 tháng đầu năm 2021, doanh thu xuất khẩu của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn sang thị trường Mỹ tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Everest, tiêu thụ cá tra Fillet tại Hoa Kỳ sẽ phục hồi trong năm 2021 do Mỹ sẽ sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Bên cạnh những thuận lợi do thị trường tiêu thụ phục hồi, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn còn được hưởng lợi nhờ mức ưu đãi thuế suất xuất khẩu thấp nhất, chỉ 0,09 USD/kg, thấp hơn 2,7 lần so với toàn ngành.

Lợi thế từ thuế và sự hồi phục nhanh của nền kinh tế Mỹ, cùng nhu cầu gia tăng các mặt hàng cá tra đông lạnh, thị trường Mỹ của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm tới, Công ty cổ phần Chứng khoán Everest nhận định.

Một yếu tố tích cực nữa là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được áp dụng từ 1/8/2020 giúp thuế suất của các sản phẩm fillet cá tra từ Việt Nam giảm từ mức 5 đến xấp xỉ 9% xuống 0% trong lộ trình 3 năm. Nhờ mức thuế mới, tính cạnh tranh của fillet cá tra đông lạnh Việt Nam sẽ tăng đáng kể dẫn đến khả năng tiêu thụ tăng.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, các mảng kinh doanh khác của công ty cũng có sự hồi phục. Doanh thu phụ phẩm tăng mạnh 65% so với cùng kỳ đạt 630 tỷ đồng, doanh thu collagen và gelatin tăng 12,1% so với cùng kỳ, đạt 269 tỷ đồng. Doanh thu nhóm sản phẩm giá trị gia tăng cũng tăng 40,8% so với cùng kỳ, đạt 65 tỷ đồng.

Nhờ vậy, tổng doanh thu 5 tháng của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn rất tích cực. Doanh thu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 3.393 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã hồi phục mạnh trong tháng 4, tăng 68,1% so với cùng kỳ, tháng 5 tăng 39,9% so với cùng kỳ, từ mức thấp trong năm 2020 khi các thị trường xuất khẩu áp dụng lệnh phong tỏa.

Là doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu lớn nhất ngành cá tra, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đang có cơ hội tăng nhanh doanh thu. Nhưng bên cạnh những thuận lợi này, doanh nghiệp đang gặp thách thức lớn về giá cước vận chuyển và thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.

Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, chi phí vận chuyển và lưu kho vẫn ở mức cao trong tháng 4 và tháng 5. Tại thời điểm ngày 24/6, chỉ số Composite World Container của Drewy - chỉ số giá cước vận tải biển tiêu chuẩn ở 8 tuyến vận tải biển chính quốc tế đã tăng lên 8.061 USD/Container loại 40 feet, mức cao nhất kể từ năm 2011, tăng 60% so với đầu năm.

Ngoài ra, tỷ trọng đơn hàng CFR (chi phí và cuowics vận tải trong tổng đơn hàng xuất sang Mỹ đã tăng lên từ dưới 10% trong năm 2020 lên hơn 50% trong tháng 4 và tháng 5. Theo điều khoản CFR trong hợp đồng, người bán sẽ chịu trách nhiệm thu xếp việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đến cảng nhận hàng, nghĩa là người bán phải chịu chi phí vận chuyển. Đồng thời, giá thức ăn cho cá tra tiếp tục tăng kể từ tháng 9 năm 2020, do giá hàng hóa tăng trên toàn cầu.

Từ những lý do này, các nhà phân tích tại HSC cho rằng, có vẻ như chi phí đang tăng nhanh hơn doanh thu.

Thực tế, giá xuất khẩu bình quân cá tra vẫn thấp hơn 7,4% so với 5 tháng đầu năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2021 là 2,89 USD/kg trong khi 5 tháng đầu năm 2020 là 3,12 USD/kg. Mặc dù mức giá này đã có sự cải thiện qua từng tháng kể từ mức đáy vào tháng 10/2020.

Việc chi phí vận chuyển, lưu kho và giá thức ăn tăng cao, trong khi giá bán thấp hơn có thể khiến lợi nhuận của doanh nghiệp không được như kỳ vọng.

Nhìn lại kết quả kinh doanh quý I/2021 của doanh nghiệp này có thể thấy, dù doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, lên 1.788 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lại giảm 13% xuống 132 tỷ đồng.

Nguyên nhân của việc doanh thu và lợi nhuận ngược chiều là do chi phí bán hàng và chi phí vận chuyển lưu kho tăng mạnh.

Trên thị trường chứng khoán, VHC chốt phiên 2/7 ở mức 45.000 đồng/cổ phiếu, chỉ tăng nhẹ hơn 7% so với phiên giao dịch đẩu năm 4/1./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục