Xuất khẩu thủy sản lại "căng như dây đàn"

18:34' - 02/08/2016
BNEWS Ngành thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ biến đổi khí hậu, tình hình ngập mặn và nắng nóng kéo dài đến dịch bệnh và nhất là tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào.
Nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biển thủy sản đang trở nên khan hiếm hơn. Ảnh minh họa: Duy Khương/TTXVN
Ngày 2/8, tại hội nghị toàn thể hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) 2016 tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh, những khó khăn trong nội tại ngành thủy sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập đã được tập trung thảo luận. 

* Khan hiếm nguyên liệu 

Theo ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội VASEP, trong 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu thủy sản cả nước có những tín hiệu đáng mừng, có sự tăng trưởng phục hồi nhẹ, đạt hơn 3,15 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam vẫn chưa thực sự khởi sắc do phải đối mặt với nhiều khó khăn từ biến đổi khí hậu, tình hình ngập mặn và nắng nóng kéo dài, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản… 

Đặc biệt, việc thiếu hụt nguyên liệu thủy sản ngày càng gay gắt hơn trong những tháng gần đây dẫn đến các doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu lên đến hàng trăm triệu USD để phục vụ hoạt động chế biến, kinh doanh. Theo số liệu của VASEP, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ 75 nước và lãnh thổ để phục vụ cho hoạt động chế biến, xuất khẩu, với tổng giá trị nhập khẩu đạt 485 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu tôm chiếm tỷ trọng cao nhất 37%, sau đó là cá ngừ chiếm 17%... 

Tại khu vực phía Nam, sản lượng thu hoạch tôm nước lợ trong 6 tháng đầu năm 2016 giảm so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, giá tôm nguyên liệu tăng. Nhiều nhà máy chế biến chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất. 

Đáng chú ý, sự cố môi trường do Formosa gây ra đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở miền Trung. Ông Trần Đình Nam, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cho biết, hiện nay nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở khu vực miền Trung, trong đó có doanh nghiệp của ông nhiều tháng nay không có nguyên liệu sản xuất. 

“Công ty chúng tôi thành lập 23 năm nay, chuyên xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nhật Bản và chưa bao giờ phải ngừng hoạt động. Thế nhưng, riêng năm nay công ty phải ngừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Thậm chí, sản lượng chế biến 6 tháng đầu năm chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ các năm trước. Vấn đề thiếu nguyên liệu có nguy cơ kéo dài, do tâm lý của người dân lo sợ không bán được hàng”, ông Nam nói. 

Không những thế, sự cố môi trường xảy ra ở miền Trung cũng gây lo ngại cho các nhà nhập khẩu nước ngoài, dẫn đến việc cảnh báo tăng cường kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. 

* Xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn 

Là một trong những người tham gia sáng lập ra Hiệp hội VASEP, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự VASEP cho biết, kể từ khi thành lập VASEP đến nay, mức tăng trưởng của ngành thủy sản luôn đạt mức ấn tượng, trung bình đạt 30%/năm. Tuy nhiên, uy tín, chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam ngày càng đi xuống trên thị trường thế giới. 

Doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo bà Minh, nguyên nhân của sự tụt giảm này là việc cạnh tranh giảm giá không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, với mục tiêu “bán hàng bằng mọi giá”, dẫn tới việc giá xuất khẩu giảm liên tục. “Doanh nghiệp nhiều khi ngồi với nhau thì rất hòa thuận nhưng sau đó, trong mỗi đơn hàng đều cố gắng tìm cách “lại quả”, giảm giá để giành hợp đồng… Điều này khiến sự cạnh tranh trong ngành trở nên không lành mạnh”, bà Minh cho hay. 

Đó là những khúc mắc trong nội bộ doanh nghiệp trong ngành, còn ở các thị trường xuất khẩu vẫn luôn tồn tại nhiều khó khăn kể cả cũ và mới. Nhìn lại xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc đã trở thành thị trường nổi trội trong những tháng đầu năm, đạt kim ngạch 384 triệu USD, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lựa chọn Trung Quốc thay thế cho những thị trường nhập khẩu khó tính khác. Và rõ ràng, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức hơn khi xuất khẩu vào thị trường này. 

Ở thị trường Mỹ, mức thuế chống bán phá giá cá tra POR11 là 0,69 cent được Bộ Thương mại Mỹ công bố đợt rà soát cuối cùng mặc dù thấp hơn POR10 nhưng vẫn còn cao đối với mặt hàng cá tra, khiến cho xuất khẩu cá tra vào thị trường này càng khó khăn hơn khi quy định thanh tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ đang là nỗi ám ảnh nặng nề đối với ngành cá tra. Còn ở thị trường EU, sự kiện Brexit khiến cho thị trường tiền tệ EU biến động theo xu hướng giảm, làm giảm nhu cầu và giá thủy sản không chỉ ở Anh mà còn ở các nước khác trong khối. 

Ngoài ra, các quy định về hàng rào kỹ thuật, các thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại cũng đang khiến ngành thủy sản “căng như dây đàn”. Dưới góc độ của Hiệp hội VASEP, ông Ngô Văn Ích cho rằng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong trung và dài hạn có thực sự hồi phục và phát triển hay không còn phụ thuộc vào vào nhiều yếu tố. Nền kinh tế thế giới với sự hồi phục chậm chạp của các nền kinh tế lớn sẽ tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng xuất khẩu, trong đó những thị trường chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Nhiều quốc gia áp dụng chính sách tài chính, tài khóa nới rộng để kích thích tăng trưởng kinh tế, khiến thị trường tài chính tiền tệ diễn biến rất phức tạp. Do đó, các doanh nghiệp cần cẩn trọng khi đưa ra chiến lược kinh doanh. 

“Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng mở rộng, các doanh nghiệp thủy sản có nắm bắt được thời cơ mà hội nhập kinh tế mang lại hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ chuẩn bị và cải tổ nhanh hay chậm của mỗi doanh nghiệp bên cạnh tiến trình cải cách kinh tế của đất nước trong quá trình hội nhập hiện nay”, ông Ngô Văn Ích cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục