Xuất khẩu trái cây của Thái Lan gặp khó do dịch COVID-19

20:12' - 10/03/2020
BNEWS Trong vài năm trở lại đây, xuất khẩu trái cây đã trở thành “ngôi sao” mang lại nguồn thu lớn cho Thái Lan, chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu từ Trung Quốc.
Trong ảnh: Các loại trái cây được bày bán trong các trung tâm thương mại ở thủ đô Bangkok. Ảnh: Ngọc Quang - PV TTXVN tại Thái Lan 
Các nhà xuất khẩu trái cây Thái Lan đang mong đợi những tác động xấu của dịch viêm đường hô hấp COVID-19 sẽ sớm qua đi, nếu không trái cây sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của dịch bệnh đang lây lan toàn cầu này.
Trong vài năm trở lại đây, xuất khẩu trái cây đã trở thành “ngôi sao” mang lại nguồn thu lớn cho Thái Lan, chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu từ Trung Quốc. Số liệu được công bố cho thấy xuất khẩu trái cây tươi của quốc gia Đông Nam Á này sang Trung Quốc đã tăng gần 50% trong năm 2018, đạt 700.000 tấn, và tăng thêm 123% trong nửa đầu năm 2019.
Khu vực này đang phát triển tốt đến mức trong một số giai đoạn, giá trị xuất khẩu trái cây của Thái Lan thậm chí còn vượt giá trị xuất khẩu ô tô. Tính từ tháng 1-10/2019, giá trị xuất khẩu trái cây của nước này đạt 3,2 tỷ USD, khiến Thái Lan trở thành nước xuất khẩu trái cây lớn thứ 6 thế giới sau Tây Ban Nha, Hà Lan, Mexico (Mê-hi-cô), Mỹ và Chile (Chi-lê).
Trong nửa đầu năm 2019, Thái Lan đã trở thành nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, với lượng sầu riêng tươi chuyển ra nước ngoài chiếm tới 44% tổng lượng trái cây xuất khẩu của Thái Lan. Vào khoảng thời gian này, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan đạt giá trị khoảng 25 tỷ baht (gần 800 triệu USD), tăng 45% so với cùng kỳ năm trước đó.
Các thị trường chủ chốt của sầu riêng Thái Lan là Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, chiếm tới 79% lượng sầu riêng xuất khẩu của Thái Lan. Riêng lượng sầu riêng Thái Lan xuất sang Trung Quốc đã tăng 70% trong sáu tháng đầu năm 2019, đạt giá trị 13 tỷ baht (khoảng 413 triệu USD) .
Đứng sau sầu riêng là nhãn, măng cụt và dừa non. Xuất khẩu nhãn của Thái Lan đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay, thu được tổng cộng 27,72 tỷ baht (khoảng 900 triệu USD) trong năm 2018, trong đó giá trị nhãn tươi xuất khẩu đạt 17,219 tỷ baht (547,7 triệu USD) và giá trị xuất khẩu nhãn sấy khô đạt 10,507 tỷ baht (334,3 triệu USD). Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu nhãn chủ yếu của Thái Lan, tiếp theo là Indonesia (In-đô-nê-xi-a).
Thái Lan hiện là nước xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc lớn thứ ba, sau Việt Nam và Malaysia (Ma-lai-xi-a). Sau khi Trung Quốc áp thuế 30% lên trái cây nhập khẩu từ Mỹ, các nhà vườn ở Đông Nam Á đã lấp đầy khoảng trống và xuất khẩu trái cây từ ba nước này sang Trung Quốc tăng nhanh.
Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy Trung Quốc nhập khẩu lượng trái cây trị giá 7,62 tỷ USD trong năm 2018. Tổng khối lượng trái cây nhập khẩu là hơn 5,52 triệu tấn, tăng 25% so với năm trước đó.
Trung Quốc nhập khẩu 1,34 triệu tấn trái cây từ Việt Nam, 1,17 triệu tấn từ Philippines và 1,02 triệu tấn từ Thái Lan. Năm loại trái cây mà Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất là anh đào (cherry), sầu riêng, chuối, nho và cam.
Trung Quốc cho phép Malaysia xuất khẩu 10 loại trái cây, bao gồm nhãn, măng cụt, vải, dừa, dưa hấu, sầu riêng và lê, trong khi đồng ý để Việt Nam xuất khẩu 9 loại trái cây gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, xoài, chuối, chôm chôm, dứa và măng cụt.
Không ngạc nhiên khi dịch COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu trái cây từ khu vực ASEAN do người dân Trung Quốc phải ở nhà, trong khi hoạt động kinh tế giảm xuống mức rất thấp. Các nhà xuất khẩu sầu riêng của Malaysia nằm trong số những nạn nhân của cú sốc về nhu cầu này, khiến cho thừa cung và giá giảm mạnh. Tại các tỉnh miền Đông của Thái Lan, vùng trồng sầu riêng và măng cụt lớn nhất nước, sầu riêng vẫn đang chín trên cây do vụ chính kéo dài từ tháng Tư đến tháng Bảy hàng năm.
Trong bài viết đăng trên tờ Bangkok Post mới đây, Phó Chủ tịch điều hành Bangkok Bank Suwatchai Songwanich nhận xét cùng với các ca lây nhiễm bệnh COVID-19 đang giảm ở Trung Quốc và mùa Đông sắp kết thúc ở bán cầu Bắc, hiện đang có những dự đoán rằng dịch bệnh này sẽ được kiểm soát vào giữa năm, vào khoảng tháng Sáu hoặc tháng Bảy.
Nếu như vậy, các nhà xuất khẩu trái cây Thái Lan có thể tránh được số phận giống như những đối tác Malaysia. Căn cứ vào đóng góp của ngành trái cây đối với xuất khẩu của Thái Lan, điều đó cũng sẽ mang lại "liều thuốc bổ" rất cần thiết cho nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục