Xuất khẩu xanh: Bắt nhịp "cuộc chơi" toàn cầu

08:08' - 17/02/2025
BNEWS Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 4 bài viết về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số với những bài học thực tế và những giải pháp để các nhà xuất khẩu của Việt Nam tiến xa hơn trong "cuộc chơi" toàn cầu.

Trong bối cảnh thị trường thế giới đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững, xuất khẩu xanh không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển lâu dài của nền kinh tế.

Trước yêu cầu bắt buộc của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh bằng cách sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ sạch và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm. Điều này giúp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 44/CT-TTg về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 nhằm xây dựng hình ảnh xanh và tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 4 bài viết về xu thế tất yếu chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, bài học thực tế, đề xuất những giải pháp hỗ trợ cũng như kinh nghiệm quốc tế để các nhà xuất khẩu của Việt Nam có bước tiến xa hơn trong cuộc chơi toàn cầu.

Bài 1: Bắt nhịp "cuộc chơi" toàn cầu

Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững.

* Thích ứng "luật chơi"

Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu, kèm theo các cơ chế, chương trình như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); chiến lược từ trang trại đến bàn ăn; kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn hay chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...

Không chỉ EU đưa ra quy định ngặt nghèo, Hoa Kỳ cũng đã có đề xuất Đạo luật Cạnh tranh sạch tương tự từ năm 2024 với hàng hóa sơ cấp và từ năm 2026 với cả hàng hóa sơ cấp, thành phẩm. Dự kiến, hàng hóa vượt mức phát thải cho phép sẽ phải trả tiền theo giá carbon là 55 USD (năm 2024) và tăng 5% mỗi năm với điều chỉnh lạm phát. Luật áp dụng với tất cả các nước và vùng lãnh thổ, trừ các nền kinh tế kém phát triển nhất.

Ngoài ra, Vương quốc Anh và Canada bắt đầu tham vấn giữa các bên liên quan nhằm thảo luận về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)... Điều này đặt ra hàng loạt thách thức cho doanh nghiệp trong bảo đảm chất lượng, chứng minh sản phẩm thân thiện với môi trường và sản xuất theo quy trình bền vững.

Các chuyên gia thương mại cho rằng xu hướng thương mại quốc tế về lâu dài sẽ đưa ra nhiều hàng rào phi thuế quan, khiến yêu cầu về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trở thành bắt buộc. Do đó, doanh nghiệp Việt cần nhận thức được yêu cầu về huy động tài chính khí hậu để tạo nguồn thu bù đắp chi phí trong chuyển đổi công nghệ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đặt ra yêu cầu về đào tạo nhân lực, nhất là cán bộ kiểm kê báo cáo phát thải, tham gia thị trường tín chỉ carbon… để mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho rằng, bối cảnh mới đòi hỏi cấp bách về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi, đây là con đường giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển bền vững và hội nhập thành công với xu hướng toàn cầu.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2023, xuất khẩu hàng hóa tăng gần 2,2 lần. Từ con số 162 tỷ USD vào năm 2015, xuất khẩu tăng liên tục qua các năm, đạt 354,7 tỷ USD vào năm 2023 và khoảng 405,53 tỷ USD vào năm 2024. Vì thế, nếu tận dụng tốt, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, xuất khẩu xanh không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro bị loại khỏi thị trường mà còn xây dựng thương hiệu bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và tiếp cận phân khúc khách hàng cao cấp trên toàn cầu.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng: Việt Nam với tiềm năng và lợi thế sẵn có đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững; đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Liên quan đến xuất khẩu sang EU, ông Đỗ Hữu Hưng - Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay: Dự báo, xu hướng này của EU sẽ được các thị trường lớn mà Việt Nam xuất khẩu tiến tới siết chặt và thiết lập tiêu chuẩn xanh.

Một trong số những chính sách đó là Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP) sẽ tác động mạnh tới thương mại toàn cầu, nhất là giao thương từ các nước với EU. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam tuy cao nhưng chủ yếu tập trung vào số lượng và chưa có sản phẩm mang hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chỉ ra rằng, doanh nghiệp Việt Nam, có đến 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, nếu đòi hỏi phải thay đổi công nghệ để sản xuất xanh là áp lực lớn bởi năng lực tài chính của doanh nghiệp đều yếu và thiếu.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra các tiêu chuẩn định mức sản xuất xanh với từng mặt hàng, từng sản phẩm. Hơn nữa, cần xem xét mức thải CO2 trung bình cho sản phẩm ở mỗi ngành hàng là bao nhiêu, nếu như những doanh nghiệp nào tiết kiệm được dưới mức đó cũng được coi là sản xuất xanh.

Ông Đinh Trọng Thịnh cũng đề xuất việc tạo thuận lợi bằng cơ chế chính sách như miễn giảm thuế, giảm lãi suất tín dụng với doanh nghiệp đạt sản phẩm xanh. Mặt khác, Bộ Công Thương cần thông qua hệ thống thương vụ nắm bắt dây chuyền công nghệ, kỹ thuật sản xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật xu hướng mới từ thị trường.

* Xây dựng chiến lược

Tại Nghị quyết số 01 ngày 5/1/2025, Chính phủ đặt chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 là 12%, phấn đấu tăng trưởng 14% trong điều kiện thuận lợi. Đặc biệt, Chính phủ cũng nhấn mạnh tới nhiệm vụ thúc đẩy xuất khẩu xanh và bền vững; khai thác cơ hội từ 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm…

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho rằng: Xanh hóa sản xuất không phải muốn hay không mà là yêu cầu bắt buộc, là con đường độc đạo nếu không muốn chậm chân khỏi cuộc chơi của toàn cầu. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh doanh nghiệp đang đối diện với công nghệ, giá thành… và cần vượt qua những thách thức để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng.

Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp cần sự đồng hành của Chính phủ, bộ, ngành trong việc tạo hành lang chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư hướng đến sản xuất xanh, nhất là chính sách về tín dụng với lãi suất và hạn mức ưu đãi. Đây cũng chính là bước đi cụ thể của Việt Nam để đạt được cam kết “zero carbon” vào năm 2050.

Theo ông Đặng Vũ Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Phong Phú (PPJ Group) sự kết hợp giữa chuyển đổi số giúp sản sản xuất xanh và sự tăng trưởng xanh của doanh nghiệp tạo sự bền vững vượt trội. Thế nhưng, để thực hiện tốt quá trình chuyển đổi kép này là khó khăn với các doanh nghiệp có tiềm lực hạn chế.

Hơn nữa, chi phí đầu tư cho công nghệ và sản xuất khiến giá thành sản phẩm tăng cao so với mô hình truyền thống. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của các cơ quan chức năng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Nhà nước vừa có chức năng dẫn dắt doanh nghiệp chuyển đổi số, vừa tạo ra hệ sinh thái để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực từ doanh nghiệp, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng đồng bộ thể chế, luật pháp, chính sách kinh tế số; đồng thời, cải cách thể chế để thu hút đầu tư vào công nghệ số; tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.

“Việc nắm bắt cơ hội không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững. Tuy vậy, sự chuyển đổi này đòi hỏi chiến lược đồng bộ từ định hướng của Chính phủ thông qua cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Ngoài ra, sự chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư thực hiện giải pháp chuyển đổi xanh và tinh thần hợp tác đồng hành của các bên liên quan”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ.

Nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Thời gian qua, Bộ Công Thương đã, đang triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy thương mại xanh và phát triển bền vững. Đặc biệt, Bộ Công Thương còn xây dựng mô hình hệ sinh thái theo từng ngành hỗ trợ doanh nghiệp trong quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của thị trường.

Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tập trung thay đổi tư duy cho doanh nghiệp, nâng cao nhận thức chuỗi cung ứng xanh; trong đó, xây dựng chiến lược hướng tới mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành công xưởng xanh của thế giới. Đặc biệt, Bộ Công Thương phối hợp các hiệp hội, ngành hàng trong việc đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp liên quan đến mẫu mã, thương hiệu, thiết kế để sản phẩm xuất khẩu có thể phát triển bền vững tại thị trường quốc tế.

Bài 2: Lựa chọn sống còn để tiến xa hơn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục