Xuất nhập khẩu Tp. Hồ Chí Minh: Cần chính sách tiếp sức hiệu quả

12:11' - 05/07/2023
BNEWS Mặc dù tăng trưởng kinh tế Tp. Hồ Chí Minh trong quý II năm nay có sự khởi sắc so với quý I, song cả kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá đều giảm khá mạnh và được dự báo khó phục hồi sớm.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cần được tiếp sức kịp thời mới có thể bám trụ qua giai đoạn thách thức hiện nay.

Theo số liệu của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 19,42 tỷ USD, giảm 22,4% so cùng kỳ. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước 6 đầu năm cũng giảm sâu 24,2% so cùng kỳ, ước đạt 25,55 tỷ USD.

 
Nguyên nhân là do kinh tế thế giới chịu tác động mạnh mẽ từ các xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu tăng cao dẫn đến xu hướng tiêu dùng giảm, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.

Trong khi đó, thống kê của Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện qua cửa khẩu thành phố nửa đầu năm 2023 đã giảm 31% so với cùng kỳ, xuất khẩu thuỷ sản giảm hơn 37%, cà phê giảm hơn 30%. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm gần 42%; máy móc thiết bị phụ tùng giảm 17%; vải các loại giảm hơn 10%.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh, phân tích, Tp. Hồ Chí Minh là đầu mối nhập khẩu hàng hoá, nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp phía Nam. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu giảm sâu tới hơn 24% cho thấy nhu cầu nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp giảm sút khá nhiều. Việc cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm, khiến số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu nửa đầu năm 2023 giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 64.242 tỷ đồng, bằng 44,1% dự toán.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su - Nhựa Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nửa đầu năm nay tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành cao su - nhựa gặp nhiều khó khăn, trung bình doanh thu của ngành hàng giảm khoảng 20% so với cùng kỳ 2022; trong đó, đơn hàng các sản phẩm không thiết yếu đã giảm từ 30 - 40%, ngay cả nhóm sản phẩm thiết yếu cũng giảm 10%. Về thị trường xuất khẩu, các thị trường chịu ảnh hưởng mạnh từ lạm phát như Mỹ, EU đã giảm 30 - 40% lượng đơn hàng, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm nhưng nhẹ hơn. Khoảng 80% doanh nghiệp ngành cao su nhựa phải giãn ca làm, tổ chức lại sản xuất nhằm duy trì hoạt động và giữ chân lao động.

Cao su - nhựa cũng là ngành hàng nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Quốc Anh, hầu hết doanh nghiệp không mua nguyên liệu dự trữ dù giá nguyên liệu hiện nay xuống thấp. Nguyên nhân là bởi doanh nghiệp muốn dự trữ nguyên liệu phải vay ngân hàng trong khi lãi suất vay ngân hàng vẫn ở mức cao còn tình hình đơn hàng nửa cuối năm chưa có tín hiệu phục hồi. Việc tích trữ nguyên vật liệu lâu ngày sẽ khiến doanh nghiệp chịu áp lực chi phí kép về lãi ngân hàng và kho bãi.

Khái quát tình hình của doanh nghiệp, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết, kết quả khảo sát hội viên trong tháng 6/2023 cho thấy, có đến 30-50% doanh nghiệp thiếu đơn hàng mới tuỳ theo ngành nghề; trong đó, ngành da giày, may mặc có doanh thu giảm từ 30-50%; sản xuất kinh doanh ngành gỗ giảm 31%; ngành cao su - nhựa giảm doanh thu 20%, giảm lao động 30% do đơn hàng giảm sâu. Đáng chú ý, ngành thép có doanh thu giảm từ 40-50% và 95% số doanh nghiệp báo lỗ, hàng tồn kho ngày càng tăng lên. Trong khi đó, sức mua thị trường nội địa vẫn đang sụt giảm từ 10 - 20% dù nhiều doanh nghiệp đã tăng cường khuyến mãi khiến doanh nghiệp chưa biết xoay sở hướng nào.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh phân tích, nửa cuối năm nay, tình hình kinh tế thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, lạm phát, xung đột chưa chấm dứt ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nói chung, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu. Theo đó, sau thời gian dài ứng phó với tình trạng giảm cầu trên diện rộng, khan hiếm đơn hàng mới, hàng tồn kho tăng cao nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đã cạn kiệt nguồn vốn. Hơn nữa, thị trường nửa cuối năm vẫn khó đoán định, ít tín hiệu lạc quan khiến doanh nghiệp dù hết vốn vẫn không dám vay để mua nguyên liệu hay sản xuất hàng dự trữ.

Theo ông Phạm Bình An, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, thành phố cần tập trung hỗ trợ thị trường cho từng ngành hàng cụ thể. Song song đó triển khai sớm các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng tiêu thụ nội địa như mở rộng tín dụng tiêu dùng, thiết lập không gian thương mại mới như kinh tế sông, kinh tế đêm…Thành phố cũng có thể tận dụng đà phục hồi du lịch kích cầu mua sắm từ du khách trong và ngoài nước, nhất là trong các dịp lễ, tết.

“Quan trọng nhất, ngay lúc này, thành phố cần phục hồi niềm tin cho doanh nghiệp bằng việc triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về lãi suất, tín dụng, thuế…Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giúp doanh nghiệp giảm các chi phí không chính thức”, ông Phạm Bình An nhấn mạnh.

Trước tình hình “sức khoẻ” nhiều doanh nghiệp suy kiệt, Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho rằng cần có giải pháp tiếp sức kịp thời. Theo đó, đề xuất lãnh đạo thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ thực thi các gói hỗ trợ phù hợp và có tác dụng thực tiễn hơn nữa. Cụ thể, cần hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp tìm lại đơn hàng, tham gia hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại sang các thị trường mới, thị trường ngách, hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ.

Tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp có vốn kinh doanh và trả lương cho người lao động. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay, khâu xác minh hóa đơn và nguồn gốc của hàng hóa mua vào rất lâu khiến việc hoàn thuế chậm trễ, ảnh hưởng đến dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đối với chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) 2% trong 6 tháng cuối năm (từ ngày 1/7 đến 31/12/2023), có một số ngành không được hỗ trợ và thời gian áp dụng quá ngắn, chưa đủ để hiệu quả tác động sâu vào nền kinh tế. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét để áp dụng thuế suất 8% và kéo dài chính sách hỗ trợ đến hết năm 2024. Để khuyến khích người dân tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng đề xuất nâng mức thu nhập tối thiểu chịu thuế thu nhập cá nhân.

Ông Nguyễn Phước Hưng,  Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề lớn nhất được doanh nghiệp quan tâm hiện nay là vốn, dù các ngân hàng đã có điều chỉnh giảm nhưng lãi suất vây ngân hàng hầu hết vẫn trên mức 10%/năm, không phù hợp với khả năng lợi nhuận của rất nhiều doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tìm giải pháp giảm lãi suất vay về dưới 8% bằng cách giảm lãi suất huy động, giảm chi phí vay và khống chế tỷ suất lợi nhuận rồng của ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần xem xét nâng tỷ lệ tài sản thế chấp sát thực tế, tăng tỷ lệ cho vay tín chấp hoặc thế chấp bằng tài sản, quyền tài sản hình thành trong tương lai… tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.

Liên quan đến thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp đề xuất lãnh đạo thành phố và các sở, ngành cần tập trung tháo gỡ ngay những thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh và phục hồi kinh tế. Cụ thể, giải quyết thủ tục cấp sổ đổ cho các doanh nghiệp đủ điều kiện sử dụng đất trong các khu công nghiệp để họ có thể thế chấp vay vốn kinh doanh; phê duyệt sớm kế hoạch sử dụng đất đai; tháo gỡ vướng mắc kiểm tra phòng cháy chữa cháy và đăng kiểm xe cơ giới để doanh nghiệp tập trung vào việc duy trì sản xuất, kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục