Xúc tiến thị trường thúc đẩy tiềm năng phát triển ngành nhựa, cao su

14:14' - 09/03/2018
BNEWS Nhựa, cao su luôn được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn, với tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt 16%-18%/năm.
Nhựa, cao su luôn được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn, với tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt 16%-18%/năm. Ảnh: TTXVN

 Triển vọng tăng trưởng tích cực của ngành công nghiệp nhựa và cao su Việt Nam trong những năm gần đây các ngành này đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan. Điều này mang lại cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp trong nước, cũng như những thách thức về năng lực cạnh tranh trên thị trường thương mại tự do.

*Tiêu thụ sản phẩm tăng

Thống kê cho thấy, tỷ lệ tiêu thụ nội địa và kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ nhựa ngày càng tăng cao, vì tính chất phổ biến cũng như ứng dụng rộng rãi của nó trong nhiều ngành kinh tế và công nghiệp khác như điện, điện tử, viễn thông, truyền thông và vận tải, thuỷ sản, nông nghiệp… Bên cạnh đó, ngành cao su Việt Nam vẫn đang có chiều hướng phục hồi tốt khi mà Việt Nam trở thành nước sản xuất cao su lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Thái Lan và Indonesia.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 2.200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nhựa tại Việt Nam, trong đó số lượng các công ty trong nước chiếm tới hơn 85%. Dự báo đến năm 2020, các doanh nghiệp nhựa trong nước sẽ cần hơn 5 triệu tấn nguyên vật liệu đầu vào để đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng trong sản xuất và kinh doanh.

Mặt khác, ghi nhận thực tế tại các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa, cao su cho thấy bên cạnh những yếu tố tích cực vẫn tồn tại một số thách thức như việc sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Do đó, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, đòi hỏi cần có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả mới giúp doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện thuận lợi và mạnh dạn đầu tư hơn nữa vào hoạt động đổi mới công nghệ, tăng cường kiến thức chuyên môn, cập nhật xu thế thị trường…

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, một trong những hạn chế của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là nguyên vật liệu còn phục thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu tăng nên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành không bằng các năm trước.

Dự kiến trong thời gian tới, giá nguyên vật liệu vẫn còn cao nên sản xuất vẫn bị ảnh hưởng. Cụ thể, trong cơ cấu hàng nhập khẩu năm 2017, những nhóm hàng cần thiết nhập khẩu để phục vụ sản xuất chiếm tỷ trọng 77% tổng kim ngạch; trong đó, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm điện tử và linh kiện 8,7 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng 4,57 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu 1,8 tỷ USD…

Trước bối cảnh đó, ông Phạm Thành Kiên, cho hay giải pháp căn bản là đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, góp phần hạn chế nhập khẩu thông qua đẩy mạnh sự liên kết vùng, khu vực và các tỉnh để đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ và tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả và chất lượng của hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp trên cơ sở tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư theo thị trường, ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh cụ thể.

*Kết nối cung cầu hiệu quả

Hàng năm, không chỉ các sở ngành tại Tp. Hồ Chí Minh, mà các tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước luôn duy trì tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại chuyên ngành, trong đó có ngành nhựa.

Người dân khai thác mủ cao su. Ảnh: TTXVN

Đơn cử, Triển lãm Quốc tế về Chế biến và Đóng gói bao bì tại Việt Nam (ProPak Vietnam) và Triển lãm Quốc tế về Công nghệ, Máy móc và nguyên phụ liệu ngành Nhựa, Cao su tại Việt Nam (Plastics & Rubber Vietnam) là chuỗi triển lãm được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước kỳ vọng tìm kiếm được giải pháp công nghệ cũng như mở rộng hợp tác kinh doanh. Qua nhiều năm tổ chức, chuỗi triển lãm đã trở thành điểm đến đáng tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như từng bước góp phần thúc đẩy ngành nhựa, cao su Việt Nam phát triển và hội nhập.

Liên quan đến thông tin chuỗi triển lãm trong năm 2018, ông BT Tee – Tổng giám đốc Công ty UBM VES, cho hay ProPak Vietnam 2018, dự kiến có sự tham gia của hơn 420 doanh nghiệp đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 11 nhóm gian hàng của Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Còn Plastics & Rubber Vietnam 2018, dự kiến thu hút khoảng 160 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 7 nhóm gian hàng của Áo, Cộng hòa Séc, Singapore…

Chuỗi triển lãm này sẽ diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 20 – 22/3, hứa hẹn giới thiệu hàng loạt sản phẩm, nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị, công nghệ đa dạng và phong phú trong ngành nhựa, cao su và chế biến, đóng gói bao bì. Song song đó, là cơ hội kết nối giao thương, tiềm kiếm đối tác, thúc đẩy các hoạt động hợp tác và xuất nhập khẩu, góp phần phát triển các lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam.

Theo Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Lưu Dzuẫn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam, lĩnh vực chế biến và đóng gói thực phẩm, đồ uống, ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) và dược phẩm là những ngành có tiềm năng phát triển to lớn, nhờ vào nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng mạnh. Trong đó, nhu cầu về bao bì thực phẩm tặi Việt Nam tăng 38%, thị trường in bào bì tăng trưởng ổn định 10%...

Hiện nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI chảy vào ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đang tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm thực phẩm chất lượng. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế không ngừng mở rộng đầu tư vào thị trường này như Tập đoàn CJ, Vingroup, Vissan, Hòa Phát…

“Trước bối cảnh đó, ngành nhựa giữ vai trò quan trọng trong quy trình chế biến đóng gói bao bì, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của các ngành khác. Đặc biệt, nhu cầu về nâng cao chất lượng sản phẩm theo định hướng bảo về môi trường, cùng với tư duy đổi mới và phát triển sản phẩm đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc cập nhập công nghệ và xu hướng mới, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh”, Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Lưu Dzuẫn cho biết.

Tính riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay ngành nhựa không chỉ sản xuất và cung ứng các sản phẩm nhựa gia dụng mà còn sản xuất các mặt hàng phục vụ cho các ngành công nghiệp khác như pallet nâng hàng, thùng nhựa, vỏ ngoài của các sản phẩm điện – điện tử... Còn ngành cao su vừa sản xuất các sản phẩm gia dụng vừa sản xuất sản phẩm phục vụ công nghiệp như cao su cách điện, săm lốp...

Đồng thời, sản phẩm của ngành cao su có vai trò quan trọng trong việc cung ứng các sản phẩm hàng hóa kỹ thuật, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp và một bộ phận lớn hàng hóa của ngành là hàng hóa hoàn chỉnh phục vụ tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục