Xung đột tại Trung Đông hạ nhiệt kéo giá dầu thế giới đi xuống

08:01' - 25/04/2024
BNEWS Giá dầu thế giới sụt giảm trong phiên giao dịch ngày 24/4, do lo ngại về xung đột ở Trung Đông dịu xuống và hoạt động kinh doanh ở Mỹ chậm lại.

Giá dầu thế giới sụt giảm trong phiên giao dịch ngày 24/4, do lo ngại về xung đột ở Trung Đông dịu xuống và hoạt động kinh doanh ở Mỹ chậm lại, mặc dù lượng tồn kho của Mỹ giảm đã hạn chế đà đi xuống của giá dầu. 

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 40 xu, tương đương 0,45%, xuống mức 88,02 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 55 xu, tương đương 0,66%, xuống 82,81 USD/thùng.

Diễn biến này trái ngược so với mức tăng của dầu Brent hồi đầu tuần, do đồng USD yếu hơn. Ông Tim Snyder, chuyên gia kinh tế tại công ty nghiên cứu thị trường Matador Economics, cho biết tình hình thị trường có vẻ ổn định hơn sau diễn biến mới ở Trung Đông.

Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs cho biết, leo thang căng thẳng giữa Iran và Israel giảm bớt có thể khiến giá dầu giảm thêm 5-10 USD/thùng trong những tháng tới. Các nhà phân tích này ước tính mức trần của dầu Brent trong ngăn hạn sẽ là 90 USD/thùng.

 

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 6,4 triệu thùng, xuống 453,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19/4, so với kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là tăng 825.000 thùng.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho biết sự sụt giảm lớn về dự trữ dầu thô là kết quả của việc xuất khẩu dầu thô mạnh. Tuy nhiên, ông cho biết, đây có thể chỉ là sự cố xảy ra một lần vì dữ liệu theo dõi tàu chở dầu sơ bộ trong tuần này cho thấy lượng xuất khẩu dầu thấp hơn.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Mỹ hạ nhiệt trong tháng 4/2024, xuống mức thấp nhất trong 4 tháng. S&P Global ngày 23/4 cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp tạm thời của họ, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống 50,9 trong tháng 4/2024, từ mức 52,1 của tháng Ba.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay, điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từ đó kích thích nhu cầu về dầu.

Theo một cuộc khảo sát hôm 24/4, Chỉ số lòng tin kinh doanh của Đức đã cải thiện nhiều hơn dự kiến trong tháng 4/2024, làm tăng hy vọng rằng điều tồi tệ nhất có thể đã qua đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục