Xuống giống vụ Đông Xuân 3 đợt tránh khô hạn

08:44' - 07/09/2023
BNEWS An Giang khuyến cáo các địa phương khung lịch thời vụ xuống giống bắt đầu từ ngày 1/11 đến 31/12; trong đó, lịch xuống giống chia làm 3 đợt để tránh khô hạn và chia sẻ nguồn nước.

Trước dự báo đỉnh điểm của El Nino khiến nhiệt độ trung bình tăng cao, để vụ Đông Xuân 2023 - 2024 đạt năng suất cao, chất lượng tốt, ngành nông nghiệp An Giang khuyến cáo các địa phương khung lịch thời vụ xuống giống bắt đầu từ ngày 1/11 đến 31/12; trong đó, lịch xuống giống chia làm 3 đợt để tránh khô hạn và chia sẻ nguồn nước.

Vụ Đông Xuân 2023- 2024, An Giang dự kiến diện tích gieo trồng gần 249.000 ha; trong đó, diện tích lúa gần 228.530 ha, màu gần 16.780 ha và vụ mùa hơn 3.640 ha. Ước năng suất lúa bình quân vụ Đông Xuân đạt 7,4 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 1,7 triệu tấn và vụ mùa ước năng suất 4,16 tấn/ha, sản lượng đạt gần 15.200 tấn.

Căn cứ vào khung lịch thời vụ của Cục Trồng trọt cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng, ngành nông nghiệp An Giang khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ Đông Xuân trong tỉnh bắt đầu từ ngày 1/11 đến ngày 31/12.

 

Theo đó, lịch xuống giống chia làm 3 đợt như sau: Đợt 1 từ ngày 1/11 đến 15/11/2023, xuống giống tập trung ở những vùng tiểu vùng sản xuất hai vụ tại các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, An Phú, Phú Tân và các tiểu vùng ngưng sản xuất vụ Thu Đông tại huyện Phú Tân với diện tích khoảng 80.000 ha, nhằm phân bố nguồn nước giữa các vùng trong tỉnh, chia sẻ nguồn nước với các tỉnh dưới hạ nguồn và tránh hạn, mặn cuối vụ.

Đợt 2 từ ngày 16/11 đến 15/12 xuống giống vụ Đông Xuân đại trà đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm diện tích khoảng 120.000 ha, tập trung tại 11/11 huyện.

Đợt 3 xuống giống từ ngày 16/12 đến 31/12 tại các tiểu vùng nằm trong kế hoạch xả lũ vụ Thu Đông 2024; một số tiểu vùng xuống giống Đông Xuân 2023-2024 muộn và các diện tích còn lại của tỉnh, rải rác tại các huyện Tri Tôn, Tân Châu, Chợ Mới, Châu Phú, An Phú, Tịnh Biên.

Trên cơ sở theo dõi diễn biến rầy nâu và tình hình thu hoạch lúa Thu Đông 2023, ngành nông nghiệp An Giang cũng khuyến cáo lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và tránh rầy chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 15/11 - 26/11 với diện tích khoảng 60.000 ha và đợt 2 từ 11/12 - 25/12 với diện tích khoảng 80.000 ha.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, cơ cấu giống lúa vụ Đông Xuân 2023- 2024 An Giang tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo về cơ cấu giống lúa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong những năm qua. Cụ thể, mỗi địa phương xác định cơ cấu giống từ 4 đến 5 giống chủ lực, 4 đến 5 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới. Cơ cấu một giống không quá 20%, phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao.

“Ngành nông nghiệp cũng yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố có biện pháp chỉ đạo và khuyến cáo nông dân sản xuất các giống lúa trong vụ Đông Xuân năm như: OM 9582, Đài thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM4900… thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng. Đây cũng là những giống lúa phù hợp trồng trong thời tiết vụ Đông Xuân năm 2023-2024…”, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, trong vụ Đông Xuân, ngành nông nghiệp An Giang cũng khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống có triển vọng như: Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM 448... để có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương. Đồng thời, lưu ý người dân tuyệt đối không gieo trồng các giống lúa chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

Riêng đối với nhóm giống lúa Japonica như: ĐS1, Hana, Kinu và lúa nếp, ngành nông nghiệp An Giang cũng đề nghị các địa phương và nông dân tổ chức liên kết sản xuất khi có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, khi sản xuất phải phù hợp với quy định và gắn với quy hoạch của từng địa phương.

Vụ lúa Đông Xuân xuống giống trong điều kiện mưa bão, dự báo xuất hiện một số loại sâu, bệnh hại, như rầy nâu, muỗi hành, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh lem lép hạt… Ngành nông nghiệp An Giang đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chuyên môn ban hành quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng lúa (code) đối với vùng đã có hợp tác xã, tổ hợp tác nhưng chưa cấp mã số.

Về biện pháp canh tác, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm” (lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha), áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái, trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ...

Vụ Thu Đông tỉnh An Giang xuống giống 148.133 ha lúa. Tỉnh xuống giống từ ngày 15/7 đến ngày 31/8, tập trung ở 3 trà gồm: Trà sớm diện tích xuống giống khoảng 10.000 ha tập trung tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và thành phố Long Xuyên; đại trà diện tích xuống giống khoảng 132.000 ha tập trung tại 11 huyện, thị, thành và trà muộn diện tích xuống giống khoảng 6.000 ha tại các vùng sản xuất lúa 3 vụ như Châu Phú, Chợ Mới, Tân Châu, An Phú. Ước năng suất vụ Thu Đông 2023 An Giang đạt 6,23 tấn/ha, sản lượng thu hoạch trên 923.000 tấn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục