Yêu cầu cải cách và đổi mới sản xuất tại Italy

20:00' - 20/08/2021
BNEWS Khi ngành thời trang lấy lại động lực sau những khó khăn vì giãn cách xã hội do COVID-19, một số ý kiến đang nhấn mạnh tới sự cần thiết phải cải cách và đổi mới.

Giống như các khu vực thời trang khác ở Italy, Hiệp hội các công ty thuộc ngành thời trang ở Veneto đã phải trải qua một thời gian khó khăn trong đại dịch COVID-19. Khi kinh tế bắt đầu phục hồi, các doanh nhân đang đặt câu hỏi làm thế nào để cải thiện hệ thống sản xuất.

Chất lượng sản xuất thời trang cao cấp của Italy thường khiến thế giới phải "ghen tị". Tuy nhiên, khi ngành thời trang lấy lại động lực sau những khó khăn vì giãn cách xã hội do COVID-19, một số ý kiến đang nhấn mạnh tới sự cần thiết phải cải cách và đổi mới. 

Andrea Rambaldi, Giám đốc công ty sản xuất hàng may mặc FashionArt và Chủ tịch Hiệp hội các công ty thuộc ngành thời trang ở Veneto (Gruppo Moda Sport Calzatura of Assindustria Venetocentro), cho biết: "Chúng tôi có thể thảo luận để thiết lập các quy tắc áp dụng cho hệ thống sản xuất của Italy, khiến chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn trước khách hàng".

Công ty của ông Rambaldi, đang cộng tác với khoảng 20 nhà thầu phụ và sắp mở nhà máy sản xuất của mình, gia công cho những thương hiệu xa xỉ bao gồm Valentino, Armani, Ferragamo, Chanel, Lanvin và Yves Saint Laurent.

Ở Veneto, cũng như các vùng sản xuất khác của Italy, các nhà sản xuất đang phải đương đầu với nhiều thách thức, bao gồm chi phí vận chuyển cao hơn, áp lực từ các thương hiệu để quay vòng sản xuất nhanh hơn và nhu cầu đáp ứng các chiến lược bền vững mới.

Có nhiều kỳ vọng rằng sau giãn cách xã hội, các thương hiệu xa xỉ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với mạng lưới sản xuất thủ công của họ để giải quyết những vấn đề này và tạo ra một chuỗi cung ứng có cấu trúc tốt hơn và linh hoạt hơn.

Hệ thống sản xuất thời trang của Veneto rất phức tạp, với việc chia thành một loạt các khu chuyên môn hóa cao bao gồm kính mắt (Belluno), quần áo thể thao (Montebelluna), giày dép (Riviera del Brenta) và da (Vicenza). Khoảng 10.000 công ty đang hoạt động ở đây, sử dụng 73.000 công nhân.

Theo ước tính từ Unioncamere Veneto (các phòng thương mại ở Veneto), kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của khu vực này đạt 9 tỷ euro (10,5 tỷ USD), giảm 11% so với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch.

Các công ty đã cố gắng tồn tại dựa vào viện trợ của nhà nước và một số công ty chuyển sang sản xuất khẩu trang và thiết bị y tế. Trong quý I/2021, các đơn đặt hàng đã tăng trở lại. Trong khi thị trường châu Âu tăng trưởng chậm chạp thì các đơn đặt hàng từ Trung Quốc tăng mạnh, do nhu cầu đối với hàng xa xỉ của người tiêu dùng Trung Quốc rất lớn.

Mô hình sản xuất tại Veneto vẫn còn manh mún, dựa vào các công ty quy mô nhỏ có trình độ chuyên môn cao. Để điều phối một chuỗi sản xuất, các nhà cung cấp như FashionArt đóng vai trò quan trọng để đảm bảo việc tuân thủ thời hạn, chất lượng và kiểm soát chi phí sản xuất. Họ cung cấp cho các thương hiệu một đầu mối liên hệ duy nhất với chuỗi cung ứng.

Một vấn đề cấp bách đối với ngành công nghiệp thời trang Italy là thiếu công nhân lành nghề. Laura Dalla Montà, chủ sở hữu của công ty Confezioni Alice chuyên sản xuất quần áo, nói: "Chúng tôi bàn về các công nghệ mới và việc sử dụng các hệ thống tự động để sản xuất hàng may mặc, nhưng chúng tôi không tạo ra các sản phẩm tiêu chuẩn. Có những thứ chỉ có thể làm bằng tay".

Bà Dalla Montà dựa vào một nhà cung cấp để tạo công việc cho doanh nghiệp của mình và xử lý hợp đồng với các thương hiệu. Bà giải thích: "Công việc của tôi là trong nhà máy. Đối với tôi, việc nhận đơn hàng mà không cần suy nghĩ về các vấn đề còn lại sẽ dễ dàng hơn".

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của các công ty Trung Quốc ở Veneto rất khốc liệt. Theo ước tính của Confartigianato Veneto (hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ khu vực), các doanh nghiệp nhỏ do Trung Quốc làm chủ hiện chiếm khoảng 35% tổng sản lượng trong khu vực.

Vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng là quan trọng, nhưng đặt ra nhiều câu hỏi. Giuliano Secco, Chủ tịch của Confartigianato Veneto, cho biết các công ty Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện một số loại hình sản xuất nhất định, ở mức độ và tiêu chuẩn thấp hơn. 

Thanh niên Italy không muốn làm việc trong ngành thời trang. Một số doanh nghiệp Italy đang tìm cách thu hút lao động Trung Quốc có tay nghề cao vào công ty của họ, trong khi những doanh nghiệp khác đang trực tiếp tìm kiếm mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với các công ty Trung Quốc. 

Nói rộng hơn, các công ty Italy ở Veneto chuyên cung cấp hàng gia công cho các thương hiệu cao cấp muốn cải thiện mối quan hệ của họ với các thương hiệu đó. Mục tiêu là xây dựng niềm tin lâu dài, giúp đôi bên cùng có lợi, đồng thời có thể đảm bảo đầu tư vào nhân sự và máy móc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục