Yêu cầu truy thu 59 tỷ đồng tiền đóng bảo hiểm của 21.376 lao động

10:05' - 23/10/2024
BNEWS Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu truy thu tiền đóng bảo hiểm của 21.376 lao động đóng thiếu thời gian với số tiền 59 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2024.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, 9 tháng năm 2024, toàn ngành đã yêu cầu truy thu tiền đóng của 5.746 lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa tham gia với số tiền 25,1 tỷ đồng; yêu cầu truy thu tiền đóng của 21.376 lao động đóng thiếu thời gian với số tiền là 59 tỷ đồng.

 

Tổng số tiền chậm đóng mà các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã nộp theo kiến nghị, sau thanh tra, kiểm tra đến ngày 30/9/2024 là 991,7 tỷ đồng. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã nộp ngân sách Nhà nước là 15,2 tỷ đồng.

Nhằm chủ động phát hiện, ngăn ngừa vi phạm từ sớm, từ xa, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục được đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra; kết hợp thanh tra truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng với thời gian dài; kiểm tra chuyên đề, đột xuất các cơ sở khám, chữa bệnh có tỷ lệ chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cao, gia tăng chi phí bất hợp lý; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm pháp luật đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Ngành cũng thực hiện tốt chế độ tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất; quan tâm việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với công dân nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở.

Xác định công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai truyền thông sâu rộng, kịp thời truyền tải chính xác, đầy đủ thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, người lao động; đảm bảo tính kịp thời, đổi mới, phù hợp với từng vùng, miền.

Ngành kết hợp truyền thông trực tiếp với trực tuyến; chú trọng phát huy ưu thế của truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên môi trường internet để người dân có thể tiếp cận mọi thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở mọi lúc, mọi nơi. Qua đó, góp phần để các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, người lao động hiểu đúng, đầy đủ hơn về chính sách bảo hiểm xã hội, đưa chính sách thực sự đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa mạnh mẽ để “dân biết, dân tin và dân tham gia bảo hiểm xã hội”.

Việc tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội sâu rộng trong toàn xã hội đã góp phần tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách.

Đến nay, hầu hết cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc chỉ đạo công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cán bộ, đảng viên, nhân dân ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc về sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tự giác tham gia như một nhu cầu thiết yếu.

Ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp đã được nâng cao, nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ việc đóng bảo hiểm xã hội không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là yếu tố quan trọng để nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Công tác truyền thông tạo kênh hữu hiệu để tiếp nhận các thông tin phản hồi của các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp về chính sách, các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, từ đó đề xuất các giải pháp điều chỉnh, xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng hoàn thiện.

Qua truyền thông đã góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng những tấm gương người tốt, việc tốt; các sáng kiến, giải pháp hay về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; vận động, thu hút các tổ chức, cá nhân trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho những người yếu thế, khó khăn… để “lưới” an sinh xã hội bao phủ tới từng người dân theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục