Yếu tố giúp các "Big Tech" vẫn “thẳng tiến”

09:32' - 16/08/2021
BNEWS Giá cổ phiếu của Apple, Facebook, Amazon và Alphabet (tập đoàn mẹ của Google) đã dao động quanh mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây.

Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang cân nhắc về việc ban hành những quy định khắt khe hơn nhằm kiểm soát các công ty công nghệ lớn (còn gọi là "Big Tech"), hiện đã có những lo ngại nhất định về triển vọng hoạt động của các “đại gia” này.
Tuy nhiên, nghịch lý đã xảy ra khi sự lo lắng đó không được phản ánh trong giá cổ phiếu của các "Big Tech". Lần lượt giá cổ phiếu của Apple, Facebook, Amazon và Alphabet (tập đoàn mẹ của Google) đã dao động quanh mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây.
Xu hướng tích cực này là kết quả của việc doanh số bán hàng và lợi nhuận của các hãng tăng cao, do các doanh nghiệp này đã nới rộng sự thống trị trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
* Giá cổ phiếu tăng cao bất chấp nỗ lực “ghìm cương” của chính phủ
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát tín hiệu về dự định siết chặt quy định hơn nữa đối với các "Big Tech", để từ đó thực thi các biện pháp chống độc quyền thương mại.
Tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), giới phê bình mong muốn Apple và Google nới lỏng rào cản trong lĩnh vực ứng dụng trực tuyến nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường quảng cáo kỹ thuật số mà lâu nay hai “ông lớn” này đã thống trị. Ngoài ra, quyền truy cập tốt hơn dành cho bên thứ ba khi tham gia vào nền tảng thương mại điện tử của Amazon cũng là vấn đề được lưu tâm.
Trước đó, Facebook đã đối mặt với nguy cơ phải thoái vốn khỏi Instagram và WhatsApp trước những cáo buộc hãng đi ngược với quy định cạnh tranh trong quá trình thâu tóm hai ứng dụng này trước đó.
Tuy nhiên, từng đó có lẽ là chưa đủ để làm “chùn bước” phát triển của những tập đoàn "Big Tech". Cả bốn “cái tên” Apple, Facebook, Amazon và Alphabet đều có mức định giá thị trường trên 1.000 tỷ USD, trong đó riêng Apple có giá trị hơn 2.000 tỷ USD.
Trong khi đó, giá cổ phiếu của Alphabet đã tăng khoảng 80% so với một năm trước đó, trong khi con số này của Facebook và Apple là gần 40% và 30%. Giá cổ phiếu của Amazon hiện gần ngang bằng với mức của năm ngoái, sau khi phá kỷ lục vào tháng Bảy.
Sự tăng trưởng vượt bậc này một lần nữa làm dấy lên những lo ngại rằng các công ty lớn mạnh nhất đang mở rộng sự thống trị và "chèn ép" các đối thủ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng bất cứ hành động điều chỉnh nào cũng có thể sẽ mất nhiều năm để phát huy hiệu quả.
* Những yếu tố hỗ trợ các "Big Tech"
Chuyên gia phân tích Daniel Newman thuộc hãng nghiên cứu Futurum Research nhận định rằng tại Mỹ, sự phân tách gần như không thể xảy ra.

Theo chuyên gia này, nhiều khả năng các "Big Tech" sẽ chỉ phải đối mặt với những khoản phạt lên đến hàng tỷ USD.

Đây là điều mà họ có thể dễ dàng chấp nhận trong quá trình điều chỉnh mô hình kinh doanh để thích ứng với các vấn đề nan giải trong một môi trường chuyển động nhanh.

Chuyên gia của Futurum Research nói: “Những công ty này có nhiều nguồn lực và bí quyết hơn các cơ quan quản lý”.
Đồng quan điểm này, chuyên gia Dan Ives tại công ty chứng khoán Wedbush Securities cho rằng bất kỳ hành động chống độc quyền nào cũng có thể dẫn đến sự thay đổi về lập pháp. Tuy nhiên, đây là điều khó xảy ra ở một Quốc hội đang bị chia rẽ.
Ông Dan Ives nói: “Rủi ro tiềm ẩn chỉ xuất hiện khi các nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy sự đồng thuận trong việc thay đổi quy định và luật pháp ở góc độ chống độc quyền”.
Các yếu tố khác hỗ trợ các "Big Tech" có thể kể tới như sự dịch chuyển sang nền tảng điện toán đám mây, những hoạt động trực tuyến cho phép các công ty mạnh nhất được hưởng lợi hay các biện pháp hạn chế nhằm vào các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc.
* “Mỏ vàng” của Facebook chưa thể "cạn"
Các chuyên gia phân tích cho rằng các công ty công nghệ lớn cũng có điều kiện tốt hơn để điều chỉnh mô hình kinh doanh và từ đó ứng phó với nỗ lực điều tiết của chính phủ.
Ví dụ, Facebook đang thích ứng với các điều kiện thay đổi bằng cách chuyển sang "Metaverse" - một không gian chia sẻ ảo tập thể, được tạo ra bởi sự hội tụ của thực tế vật lý, nhà phân tích Ali Mogharabi thuộc hãng nghiên cứu độc lập Morningstar nhận định.
Nhà phân tích Mogharabi cho biết, dữ liệu khổng lồ được thu thập từ 2,5 tỷ người dùng của Facebook mang lại cho mạng xã hội này khả năng chống chọi với sự thay đổi trong môi trường pháp lý.
Mặc dù vậy, việc gia tăng các hạn chế truy cập và sử dụng dữ liệu sẽ áp dụng cho tất cả các công ty, không chỉ Facebook.
Chuyên gia phân tích độc lập Eric Seufert cho biết trong một tweet rằng "những thay đổi về quy định sẽ tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của Facebook, nhưng quy mô tuyệt đối của tập đoàn này cùng quỹ đạo tăng trưởng của lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số, sẽ giúp Facebook đứng vững và ‘mỏ vàng’ của Facebook sẽ không sớm cạn kiệt".
Theo chuyên gia Newman, các tập đoàn công nghệ lớn đã phát triển trong thời kỳ đại dịch bằng cách cung cấp nhiều dịch vụ sáng tạo, khiến họ đã mạnh nay càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Chuyên gia này lưu ý: “Những nền tảng này đã tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, nhưng lại tạo ra nhiều khó khăn cho những ‘người chơi’ mới tham gia”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục