Yếu tố nào tạo nên sức hút cho cổ phiếu Sabeco?

19:07' - 29/11/2017
BNEWS Chiều 29/11, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương triển khai bán 53,59% vốn điều lệ của Sabeco, tương đương 343.662.587 cổ phần Nhà nước do Bộ Công Thương làm đại diện chủ sở hữu.

Bộ Công Thương đã phối hợp với Sabeco, Liên danh tư vấn và các đơn vị liên quan tổ chức Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào Sabeco tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE).

* Hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Tại buổi Roadshow, ông Võ Hữu Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt, đánh giá bên cạnh yếu tố thị trường, có nhiều yếu tố khác để Sabeco tạo nên sức hút riêng đối với nhà đầu tư và được họ định giá cao hơn giá trên thị trường.

Điển hình, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc văn hóa uống bia và nhu cầu thị trường, năng lực sản xuất cũng như khả năng tăng trưởng trong tương lai... đây là những "điểm cộng" cho Sabeco.

Liên quan đến thắc mắc của các nhà đầu tư về thủ tục mua cổ phần trong đợt chào bán cổ phần Sabeco lần này, ông Võ Hữu Tuấn, giải thích thêm, tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước phải đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện theo theo quy định tại Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco.

Đặc biệt, tham gia phiên chào bán cổ phần Nhà nước tại Sabeco, các nhà đầu tư thực hiện đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm chào bán đã công bố.

Đối với việc tại sao không nới room cho nhà đầu tư nước ngoài để kêu gọi dòng vốn ngoại vào thị trường mạnh mẽ hơn, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương, cho biết, đây là chủ trương đã được thông qua và quá trình thoái vốn Nhà nước tại Sabeco phải đảm bảo thực hiện theo lộ trình để tránh rủi ro và xuất hiện tiêu cực.

Cụ thể, tỷ lệ số cổ phần nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa là 49% vốn điều lệ Sabeco, với số lượng cổ phần mỗi nhà đầu tư nước ngoài được đăng ký mua tối đa trong đợt chào bán lần này là 247.470.409 cổ phần.

Trước nhận định của một số nhà đầu tư là giá cổ phiếu của Sabeco trên sàn cao, nhưng thanh khoản thấp thì liệu có thực hiện thoái vốn thành công đợt này không? ông Trương Thanh Hoài, nhấn mạnh, Bộ Công Thương công bố giá khởi điểm chào bán cổ phần Sabeco, mã: SAB, là 320.000 đồng/cổ phiếu, đây là mức giá được căn cứ trên giá thị trường và đảm bảo tuân thủ đúng quy luật thị trường.

Còn căn cứ vào kết quả của đợt chào bán, Bộ Công Thương sẽ có báo cáo và đề xuất hướng xử lý tiếp theo.

Trước sự kiện Roadshow lần này, Bộ Công Thương đã phối hợp với Sabeco, Liên danh tư vấn và các đơn vị liên quan tổ chức các buổi Roadshow đến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại Singapore và London.

Theo ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Sabeco, tại các buổi Roadshow tổ chức ở nước ngoài, SAB nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư của các nước.

Ban tổ chức đã thông tin công khai, minh bạch đến các nhà đầu tư về lộ trình thoái vốn tại Sabeco, đồng thời tổ chức 15 buổi tiếp riêng các nhà đầu tư tiềm năng.

*Lợi thế doanh nghiệp chiếm thị phần lớn

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Nielsen, tính đến tháng 6/2017, Sabeco là nhà sản xuất sản lượng bia lớn nhất và cũng là đơn vị chiếm lĩnh thị phần bia lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, nên việc đảm bảo ổn định nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho sản xuất là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng.

Qua quá trình phát triển, Sabeco đã tạo được mối quan hệ đối tác với nhiều nhà cung cấp nguyên vật liệu đứng đâu thế giới (châu Âu và Australia).

Bên cạnh đó, nhằm giữ vững vị thế là thương hiệu bia số 1 tại Việt Nam và phấn đấu trở thành Tập đoàn đồ uống hàng đầu khu vực, trong những năm qua Sabeco đã chú tọng quản bá thương hiệu, gắn kết hình ảnh và tạo uy tín thương hiệu bằng việc truyền thông hiệu quả, làm gia tăng đáng kể việc nhận biết về sản phẩm và hình ảnh thương hiệu Sabeco.

Đặc biệt, Sabeco đã xây dựng thương hiệu Sabeco trở thành thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực đồ uống trong khu vực.

Đồng thời, Sabeco tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm giới thiệu thương hiệu Bia Sài Gòn ra thị trường thế giới.

Hiện tại, Sabeco đã có mặt tại 31 quốc gia của 5 châu lục và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự hiện diện tại các nơi đã có mặt, cũng như phát triển mở rộng đến nhiều thị trường khác.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, đại diện Sabeco, cho hay, năng lực sản xuất hiện tại của Sabeco đạt 1,8 tỷ lít bia/năm, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ dự báo tăng trưởng trong thời gian tới.

Hệ thống kênh phân phối ổn định và có khả năng để đưa sản phẩm gia tăng thêm đến với thị trường và người tiêu dùng.

Sabeco đang có 44 chi nhánh, 8 tổng kho, 800 nhà phân phối, 32.000 điểm bán...

Trên cơ sở đó, Sabeco đã đặt ra kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2017 với tổng doanh thu đạt 34.471 tỷ đồng (tăng 12,64% so với năm 2016); lợi nhuận trước thuế 5.719 tỷ đồng (tăng 27,94%); lợi nhuận sau thuế 4.704 tỷ đồng (tăng 1,04%).

Với lợi thế chiếm khoảng 40,9% thị phần và là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất ngành bia Việt Nam, Sabeco được các chuyên gia đánh giá là doanh nghiệp có mã cổ phiếu hấp dẫn trên thị trường hiện nay.

Dẫn chứng cụ thể, các chuyên gia chỉ ra rằng, mức giá tham chiếu bình quân của 30 phiên trên thị trường chứng khoán vào trước thời điểm công bố thông tin về việc bán vốn Nhà nước tại Sabeco là 281.500 VND; mức giá cao nhất theo định giá của tư vấn là 184.700 VND; còn mức giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày công bố thông tin (29/11) là 320.000 VND.

Nếu chào bán thành công 343.662.587 cổ phần Nhà nước tại Sabeco, tương ứng 53,59% vốn điều lệ, ước tính Bộ Công Thương có thể thu về tối thiểu 109.971 tỷ đồng (tương đương tỷ 4,8 tỷ USD)./.

Xem thêm:

>>>Chứng khoán chiều 29/11: Sabeco công bố thoái vốn, SAB tiếp tục tăng mạnh

>>>Giá khởi điểm chào bán Sabeco là 320.000 đồng/cổ phiếu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục