Chính phủ Mỹ vẫn để ngỏ khả năng rút khỏi NAFTA

05:30' - 18/05/2017
BNEWS Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ phá vỡ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đàm phán các thoả thuận riêng biệt với Canada và Mexico.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ảnh: TTXVN

Đây là phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tại hội nghị Hội đồng châu Mỹ. Theo ông Ross, mặc dù cả Canada và Mexico muốn bảo vệ NAFTA như một thỏa thuận ba bên, nhưng Tổng thống Trump vẫn chưa quyết định có nên duy trì thoả thuận này hay không, hay sẽ theo đuổi các thoả thuận song phương.

Ông Ross bày tỏ hy vọng sẽ sớm giải quyết được sự trì hoãn tại Quốc hội, theo đó cho phép Nhà Trắng thông báo chính thức ý định thương lượng lại NAFTA với Canada và Mexico. Nếu NAFTA được duy trì, ông Trump muốn đổi tên thoả thuận này thành “NAFFTA” - thêm một “f” viết tắt của chữ “công bằng”.

Trích dẫn các cuộc đàm phán của Canada với Liên minh châu Âu về Thỏa thuận Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA), ông Ross coi đây là ví dụ về giao dịch thương mại đa phương không hiệu quả và thiếu công bằng. Đó là lý do tại sao vùng Walloon của Bỉ luôn phản đối quyết liệt đến phút chót.

Trước đó, Tổng thống Trump đã gọi NAFTA là một “thảm họa” vì đã khiến hàng triệu lao động ngành công nghiệp Mỹ mất việc làm. Ông cam kết sẽ tái đàm phán hoặc rút khỏi hiệp định.

Mặc dù luôn khẳng định “không muốn gây ra cuộc chiến thương mại với bất kỳ nước nào”, nhưng với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Chính phủ Mỹ cũng sẽ cứng rắn hơn trong việc theo đuổi các biện pháp thương mại, chống lại những gì họ cho là thực tiễn thương mại không công bằng.

Chẳng hạn giới chức Mỹ có thể áp thuế nhập khẩu nhằm làm tăng giá trị thương mại tổng thể, đồng thời giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Lấy ví dụ về việc Tổng thống Trump hồi tháng trước quyết định áp thuế nhập khẩu trung bình 20% đối với gỗ mềm của Canada, ông Ross cho rằng đó là quyết định đúng đắn và cần thiết.

Đồng thời ông Ross cũng khẳng định “những lời đe doạ trả đũa là không thích hợp và sẽ không ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng”, việc tăng thuế quan hoặc đưa ra các rào cản phi thuế quan sẽ là giải pháp cuối cùng, nhưng cũng là một lựa chọn luôn được tính đến.

Các cố vấn hàng đầu của ông Trump hiện đang đau đầu vì câu hỏi làm thế nào để tiến hành cải cách sự tham gia của Mỹ vào NAFTA. Một số ủng hộ chính sách cứng rắn đề nghị rút khỏi hiệp định ngay, số khác lại mong muốn tìm kiếm cơ hội để tiếp cận và đàm phán với Canada và Mexico.

Hiệp định NAFTA cắt giảm và loại bỏ thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm thương mại sau khi có hiệu lực vào năm 1994. Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và các đối tác ký hiệp định NAFTA đã tăng gấp 3 lần kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Con số này lên tới 1.100 tỷ USD tính đến năm ngoái.

Thiếu đi hiệp định này, Mỹ sẽ phải thiết lập lại mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia và khả năng tranh chấp thương mại sẽ tăng đáng kể.

Một số đài phát thanh đưa tin rằng ông Trump sẽ đưa ra quyết định rút khỏi hiệp ước. Nếu điều này thật sự xảy ra, yêu cầu đàm phán lại hiệp định chỉ là bước đệm để thông báo cho Mexico và Canada về dự định rút lui của Mỹ trong vòng sáu tháng tới.

Nhưng thay vào đó, ông Trump lại yêu cầu tái đàm phán với Thủ tướng Canada – ông Justin Trudeau và Tổng thống Mexico – ông Enrique Pena Nieto nhằm cân bằng lại các thỏa thuận trong khuôn khổ cho phép của hiệp ước.

Chính phủ Mỹ vẫn để ngỏ khả năng rút khỏi NAFTA. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Beatriz Leycegui, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mexico giai đoạn 2006-2011 cho rằng ông Trump công bố ý định rời khỏi NAFTA nhưng chưa chắc đã thực hiện dự định này, và đây là một chiến lược nhằm tạo áp lực cho Canada và Mexico trước cuộc đàm phán.

Trước đó, báo Global and Mail của Canada đăng phát biểu của Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada (BoC) Stephen Poloz cho rằng Canada phải tìm kiếm những cơ hội thương mại mới bên ngoài nước Mỹ nhằm đối phó với mối đe doạ từ chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo ông Poloz, sự bất ổn trong quan hệ thương mại Canada - Mỹ kể từ sau khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đã làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Canada vốn đang hồi phục chậm chạp sau cuộc khủng hoảng vừa qua. Do 3/4 lượng hàng hoá của Canada xuất khẩu sang Mỹ, nên nền kinh tế Canada cực kỳ mẫn cảm với sự ấm lạnh trong quan hệ hai nước.

Hồi tháng trước, Chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế lên đến 24% vào mặt hàng gỗ mềm của Canada. Gỗ mềm hiện chiếm khoảng 20% giá trị xuất khẩu lâm sản của Canada. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Canada chính là Mỹ, chủ yếu sử dụng làm vật liệu xây dựng, với 68% sản lượng khai thác trong năm 2016.

Có thể nói, quyết định của Chính phủ Mỹ áp thuế đối với mặt hàng này chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột và có thể làm dấy lên nỗi lo sợ về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Canada.

Không chỉ có mối đe dọa từ chính sách bảo hộ mà cùng với đó là lời hứa của Tổng thống Donald Trump về kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp ở Mỹ cũng đang chặn bước chân của các doanh nghiệp Canada muốn mở rộng và đầu tư vào Mỹ.

Thống đốc BoC cho rằng Mỹ có nguy cơ phá hoại chính nền kinh tế của mình bằng cách hạn chế sự tiếp cận của các công ty Canada vào thị trường Mỹ. Ông Poloz lấy ví dụ lĩnh vực ô tô, ngành mà công ty Canada có hơn 150 nhà máy ở Mỹ sử dụng đến hơn 43.000 lao động Mỹ.

Trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Chính phủ Canada đang tìm cách mở rộng xuất khẩu gỗ xẻ và các sản phẩm từ gỗ sang một số thị trường châu Á như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Việt Nam...

Theo ông Poloz, một phần của các giải pháp cho Canada là tạo ra giao dịch thương mại tự do mới vượt ra khỏi khu vực Bắc Mỹ. Điều đó có thể bao gồm cả việc khôi phục lại việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Trump phản đối.

Có thể nói, những bước tiến trong việc mở rộng đối tác thương mại, đa dạng hóa sang các thị trường quan trọng ngoài Mỹ giúp nền kinh tế Canada tránh bị tác động của những chính sách bảo hộ ở Washington, đang là lựa chọn khôn ngoan của Ottawa nhằm đối phó với với tình hình bất định do những động thái gần đây của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.

>>> Hội đồng Kinh doanh Mỹ -Canada lên tiếng về NAFTA

>>> Canada cam kết duy trì thỏa thuận ba bên về NAFTA

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục