NAFTA liệu có phải là “thoả thuận tồi tệ” trong quá khứ?

06:30' - 14/05/2017
BNEWS Trước đây, ông Donald Trump đã gọi NAFTA là "thoả thuận thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Tuy nhiên, một vài sự kiện gần đây cho thấy chính quyền mới đang có những điều chỉnh quan điểm.
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang mạng của Hội đồng Đối ngoại Nga có bài viết cho biết trên trang mạng của Nhà Trắng mới đây xuất hiện thông tin về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định không rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), nhưng sẽ sớm hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết để có thể bắt đầu tiến hành đàm phán về việc thay đổi điều kiện tham gia vào thoả thuận này của Mỹ.

Theo nội dung thông báo trên, quyết định này được ông Trump đưa ra sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Mexico Enrique Pena Nieto và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Tại Nhà Trắng, ấn phẩm Politico cũng đã thông báo rằng việc Mỹ định rút ra khỏi NAFTA đang được Chính quyền Donald Trump xem xét lại. Đối với nhiều quốc gia, thông tin này là khá bất ngờ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ đã gửi quyết định về việc bắt đầu đàm phán lại điều kiện tham gia của Mỹ trong Hiệp định NAFTA lên Quốc hội kể từ ngày 29/3. Một trong những mục tiêu của quá trình xem xét lại này là tiến hành đàm phán với Mexico và Canada.

Giới truyền thông cho rằng điều này cho thấy lực lượng ủng hộ thương mại tự do trong Nhà Trắng lớn hơn số ủng hộ bảo hộ mậu dịch. Và điều này cũng mang tới hy vọng rằng những hệ quả tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại và khủng hoảng hệ thống thương mại quốc tế sẽ không xảy ra.

Cho tới ngày 26/4, vấn đề bàn luận xoay quanh NAFTA là nội dung liệu nó có được thương lượng lại hay không và nếu có thì trong điều kiện như thế nào; những đe dọa việc Mỹ rời khỏi thoả thuận này sẽ không được bàn tới nữa.

Thông tin về việc Mỹ có thể rút khỏi NAFTA đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ đặc biệt từ ngành nông nghiệp nước này. Chủ tịch Liên hiệp ngũ cốc Mỹ cảm thấy “bị sốc và đau buồn” khi biết về khả năng Mỹ có thể rời khỏi NAFTA.

Theo ông này, điều đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu ngũ cốc sang Mexico, từ đó ảnh hưởng tới giá thành và lợi nhuận của các nhà sản xuất ngũ cốc ở Mỹ.

Cùng quan điểm như vậy là đại diện của ngành sản xuất thịt lợn và đậu tương. Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thịt lợn nhà nước tuyên bố việc Mỹ rời khỏi NAFTA sẽ dẫn đến thiệt hại về tài chính rất lớn đối với các nhà sản xuất, làm mất đi hàng chục nghìn việc làm đang phụ thuộc vào việc xuất khẩu các loại hàng hoá này.

Rõ ràng lời đe dọa của Mỹ về việc có thể rút khỏi NAFTA được đưa ra với mục đích gây sức ép đối với các đối tác tham gia và để nhận lấy những lợi thế trong quá trình đàm phán.

Các cuộc điện đàm sau đó từ phía E. Pena Nieto và John Trudeau và chuyến đi đến Mỹ không có kế hoạch từ trước của đại diện Canada cho thấy rằng 2 quốc gia này đã nhận được tín hiệu từ phía Mỹ.

Trên thực tế, ông Trump cho tới nay vẫn chưa từ bỏ ý định rút Mỹ khỏi NAFTA trong trường hợp nếu thoả thuận của việc thương lượng lại không mang lại lợi ích cho Mỹ. Ông Trump đã không chỉ một lần thay đổi quan điểm của mình, trong số đó gồm các vấn đề được xem là then chốt trong chiến dịch tranh cử của ông này.

Giống như hôm 12/4, ông Trump đã chính thức tuyên bố huỷ bỏ việc gọi Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ, vốn đã được ông tuyên bố vào ngày đầu tiên làm Tổng thống Mỹ.

Các đối tác của Mỹ trong NAFTA nhận thức được các rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ nếu Washington rút khỏi Hiệp định này. Thoả thuận về khu vực thương mại tự do đảm bảo cho hàng hoá Mỹ được xuất khẩu miễn thuế vào các thị trường Mexico và Canada.

Nhưng nếu như không có NAFTA, hàng hoá Mỹ vào thị trường Canada sẽ bị áp mức thuế trung bình khoảng hơn 4%, và Mexico sẽ áp mức thuế khoảng 7,1%. Như vậy về mặt lý thuyết, theo cam kết của Mexico trong WTO thì mức thuế trung bình có thể tăng lên đến 36,2%. Mexico đã nhiều lần tăng biểu thuế của mình và khó có khả năng Mexico không tận dụng vấn đề này để gây áp lực với Mỹ trong đàm phán NAFTA.

Theo một cựu Trưởng đoàn đàm phán Mỹ về vấn đề nông nghiệp D.Vetter, Canada và Mexico có khá nhiều yếu tố có thể gây áp lực đối với phía Mỹ để sử dụng trong đàm phán về NAFTA, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục