"Nóng" vấn đề quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông

13:53' - 08/03/2017
BNEWS Tình trạng cát, sỏi bị khai thác trái phép tràn lan gây ô nhiễm môi trường, sạt lở nghiêm trọng bờ sông.
"Nóng" vấn đề quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông. Ảnh: TTXVN

Những năm gần đây, tình trạng cát, sỏi bị khai thác trái phép tràn lan diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước gây ô nhiễm môi trường, sạt lở nghiêm trọng bờ sông, tác động xấu tình hình an ninh trật tự, đe dọa cuộc sống của người dân địa phương, gây bức xúc trong dư luận.

Vì vậy ngày 7/3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các lực lượng chức năng cần mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm khai thác cát trái phép từ ngày 15/3 đến 1/6... Đồng thời tạm dừng cấp phép xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án xã hội hoá. Với chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp cần thiết để lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý, khai thác và sử dụng loại khoáng sản này.
Theo Tiến sĩ Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng khai thác trái phép gia tăng là do cát, sỏi lòng sông thường có ở các khu vực ranh giới giữa hai hay nhiều địa phương cấp tỉnh, huyện, xã nên khi có hoạt động khai thác trái phép, việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các địa phương liên quan. Địa bàn khai thác cát rộng, kéo dài, số lượng đối tượng khai thác rất lớn, sống ven sông, thông thạo địa hình.

Hoạt động bơm hút rất nhanh, diễn ra ở địa bàn giáp ranh, có mạng lưới chân rết rộng để cảnh giới nên việc bắt giữ, xử lý còn khó khăn. Việc khai thác cát, sỏi lòng sông khác với khai thác các loại tài nguyên khác vì đầu tư không lớn; phương tiện khai thác có thể nhỏ lẻ, hoặc có quy mô lớn nhưng di chuyển linh hoạt có thể khai thác được cả ngày lẫn đêm; cát, sỏi hút lên là có thể bán được ngay, thậm chí bán ngay trên sông mà không cần tới điểm tập kết nên lợi nhuận cao.
Do đó, các lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc truy quét, xử lý vì thiếu nhân lực, phương tiện, kinh phí. Nhiều vụ việc khi bị cơ quan chức năng phát hiện, truy quét, các đối tượng sẵn sàng đánh chìm thuyền và bỏ chạy. Tại một số địa phương còn chưa xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, nhất là lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở có hành vi bao che, dung túng để hoạt động khai thác trái phép diễn ra mà không xử lý, hoặc để kéo dài. Đồng thời, cho xây dựng các bãi tập kết cát, sỏi trái phép mà không xử lý...
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03 ngày 30/3/2015 về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã tăng cường ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi lòng sông, bước đầu lập lại trật tự kỷ cương trên lĩnh vực này.

Tiêu biểu như Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) vừa ký quyết định kỷ luật một số cán bộ do có vi phạm, khuyết điểm trong quá trình quản lý khoáng sản, để nạn "cát tặc" lộng hành suốt thời gian dài ở địa phương. Trong đó ông Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện và ông Lê Năng Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường bị phê bình; ông Lê Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Xuân Bái bị cảnh cáo. Huyện Thọ Xuân cũng đã chỉ đạo xã Xuân Bái kiểm điểm tập thể UBND, Trưởng công an xã và công chức địa chính do để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm nêu trên, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý, chấm dứt hoạt động khai thác và tập kết cát trái phép ở xã Xuân Bái.
Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng cũng vừa ký Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đối với Công ty TNHH Xây dựng Bảo Thông (Số 203, tổ 24, Bằng Giang, Hợp Giang, Cao Bằng) với số tiền 32 triệu đồng. Do Công ty không có Giấy phép khai thác khoáng sản,nhưng vẫn tiến hành khai thác cát sỏi từ 12 m3 đến 14m3/ngày.

Hành vi này đã vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 37 của Nghị định số 142/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Trước đó (ngày 16/1), Chánh Thanh tra Sở cũng ra Quyết định xử phạt đối với Hợp tác xã Giang Sơn (xóm Mỏ Sắt, xã Dân Chủ, huyện Hòa An) với số tiến 32 triệu đồng với những vi phạm tương tự như trên.
Còn tại Hải Dương, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Phòng chống khai thác cát trái phép trên địa bàn”. Ban Chỉ đạo đề án của Hải Dương giao Công an tỉnh chủ trì triển khai kế hoạch phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những vi phạm về khai thác cát trái phép. Qua đó, Công an tỉnh sẽ xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá những vụ việc vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm; điều tra, phối hợp đưa ra xét xử các vụ án liên quan; tăng cường đấu tranh với hoạt động khai thác cát, sỏi...

Tính đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã tổ chức 204 cuộc kiểm tra, phát hiện và bắt giữ 188 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 2 tỉ đồng. Riêng lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy bắt giữ, xử lý 75 trường hợp khai thác cát trái phép, phạt hơn 1,3 tỉ đồng.
Theo thống kê đến cuối năm 2015 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép đã giảm gần 20 địa phương so với năm 2012, song vẫn còn diễn ra trên 30 tỉnh, thành phố. Trên thực tế, thẩm quyền cấp phép, quản lý cát sỏi là của UBND cấp tỉnh và được quy định tại Luật Khoáng sản 2010. Chính vì vậy, giải pháp đầu tiên thực hiện vẫn là của UBND cấp tỉnh. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, trực tiếp là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản là xây dựng thể chế, chính sách để quản lý.

Theo đó, Tổng cục đã trình Bộ nhiều văn bản gửi các địa phương đề nghị thực hiện các biện pháp xử lý, ngăn chặn thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất hàng năm. Tổng cục sẽ chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành và địa phương tiến hành kiểm tra công tác lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông; kiểm tra việc thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng, lạch. Qua đó nắm tình hình và đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác quản lý cát, sỏi lòng sông.
Theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ quy định nội dung công tác thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; hướng dẫn quản lý cát, sỏi lòng sông. Nghị định quy định nội dung kỹ thuật của Đề án thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải đáp ứng các yêu cầu như cấp trữ lượng và mạng lưới thăm dò; kỹ thuật công tác thăm dò; công tác nghiên cứu chất lượng; mức độ nghiên cứu và khoanh nối khối tính trữ lượng và công tác tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nghị định cũng quy định rõ điều kiện của hộ kinh doanh được thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Như vậy, những hộ kinh doanh được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải được UBND cấp tỉnh lựa chọn; có hợp đồng với tổ chức có đủ điều kiện hành nghề thăm dò khoáng sản; có đề án thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định và phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có khoáng sản; diện tích khu vực đề nghị thăm dò không quá 1 ha.
Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Khoáng sản về hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản; báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản; giám đốc điều hành mỏ; xác nhận vốn chủ sở hữu; quy hoạch khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; bảo vệ quyền lợi địa phương và người dân có khoáng sản được khai thác, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; khu vực khoáng sản và quy định về hoạt động khoáng sản; thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản; phê duyệt trữ lượng khoáng sản và đóng cửa mỏ khoáng sản.
Mặt khác, thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản, các địa phương đã lập quy hoạch riêng của mình, song quy hoạch này không thể lập trên cơ sở “cát cứ” giữa địa phương này với địa phương khác, bởi cát, sỏi ở phần giáp ranh nhiều địa phương, ở lưu vực sông, thậm chí ở 5 – 7 tỉnh.

Do đó, nguồn cát không phải của riêng mà là của chung cung cấp cho nhu cầu cả nước, khu vực phải được cân đối. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn theo hướng có tính liên vùng, phát huy tối đa tiềm năng của cát sỏi trong quá trình xây dựng quy hoạch cung cấp cho cả nước, cũng như khu vực và địa phương. Ngay khi lập quy hoạch phải đánh giá tác động của khai thác cát sỏi với việc xói lở bờ, ổn định dòng chảy, môi trường, trên cơ sở cân đối nhu cầu để đưa ra kế hoạch khai thác hợp lý của cả một dòng sông, chứ không phải riêng một địa phương nào.

Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề này thì địa phương này khai thác, địa phương kia không khai thác cũng không giải quyết được vấn đề gì cả vì đều chung một dòng sông. Ngoài ra, cần phải quy định trách nhiệm chung của các địa phương về việc này.
Thời gian gần đây, thực hiện xã hội hóa về nạo vét luồng lạch bằng vốn tổ chức cá nhân không cấp phép; trên luồng đó lập chuẩn thiết kế về nạo vét, nếu có cát thì được thu hồi. Tuy vậy, đã xuất hiện việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc này để khai thác cát, sỏi trái phép và xử lý số cát, sỏi nạo vét đó ra sao cũng cần quy định cụ thể. Nhiều địa phương có chung ranh giới hành chính là dòng sông đã ban hành quy chế phối hợp trong quản lý, nhất là xử lý các tổ chức cá nhân khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông.

Đặc biệt đã xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, làm rõ trách nhiệm, hình thức xử lý đối với người đứng đầu địa phương các cấp khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, để xảy ra kéo dài mà không xử lý. Tuy vậy, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc xử lý, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi vi phạm pháp luật tài nguyên khoáng sản.

>>>Quảng Ninh bắt giữ nhiều phương tiện khai thác cát trái phép

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục