Sạt lở nghiêm trọng ở cù lao Tân Phong, Tiền Giang

10:10' - 03/03/2017
BNEWS Nhiều năm trở lại đây, vùng cù lao xanh tươi Tân Phong đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp, khó lường.
Sạt lở nghiêm trọng ở cù lao Tân Phong, Tiền Giang. Ảnh: TTXVN

Tân Phong (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là xã cù lao trên sông Tiền, nằm tách biệt giữa bốn bề sóng nước. Nơi này từ xưa đã nổi tiếng trù mật với nhiều loại cây ăn quả đặc sản như: chôm chôm, nhãn…mang lại cho người dân địa phương nguồn lợi kinh tế đáng kể.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, vùng cù lao xanh tươi Tân Phong đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp, khó lường. Sạt lở nặng nhất xảy ra trên các cồn (cù lao) Đại Diện, cồn Trích thuộc ấp Tân Thái, cồn Tân Thiện (ấp Tân Thiện)…Gần đây nhất, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2017, một ao nuôi thủy sản rộng hàng chục ngàn m2 và hai nhà kho của người dân trên địa bàn ấp Tân Thái đã bị sông Tiền nhấn chìm.

Ông Nguyễn Văn Chí, nhà ở ven sông Tiền, thuộc ấp Tân Thái cho biết: Gia đình ông có 6.000 m2 đất canh tác. Thời gian qua, sạt lở xảy ra làm mất 1.200 m2 đất của gia đình ông. Ông Chí cho biết, tình trạng sạt lở đã xuất hiện khoảng hơn 10 năm nay, trung bình mỗi năm, sạt lở sâu vào trong đất liền từ 2-3m. Sạt lở xảy ra từ khi các phương tiện khai thác cát ồ ạt trên tuyến sông Tiền đoạn qua cù lao Tân Phong - nơi có mỏ cát chất lượng tốt.

Gia đình ông Võ Văn Giàu, ấp Tân Thái cũng trong tình trạng tương tự. Gia đình ông có 3.500 m2 đất vườn, nay bị sạt lở mất 500 m2. Diện tích còn lại cũng đang tiếp tục đối diện với tình trạng sạt lở.

Đoạn bờ sông Tiền thuộc cồn Đại Diện (xã Tân Phong) hiện bị sạt lở hàng ngàn m, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng chục hộ dân nơi đây. Qua phản ánh của người dân, phương tiện khai thác cát trái phép thường đến từ các tỉnh lân cận, hoạt động từ 21-23 giờ mỗi ngày. Mỗi lần bơm hút thường có từ 50 - 60 phương tiện xếp thành hàng dài. Điểm bơm hút cát có khi chỉ cách bờ sông vài chục mét.

Theo ông Hồ Thái Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong, qua khảo sát, trên địa bàn có 8 tuyến bờ sông bị sạt lở trên tổng chiều dài 5.200 m. Gần như tất cả các ấp trong xã đều xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông với chiều sâu sạt lở từ 1-3 m/ năm, tùy từng đoạn. Trước đó, trên khu vực ấp Tân Thiện (xã Tân Phong), sông Tiền xâm thực làm sạt lở 4 nhà dân.

Về nguyên nhân gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông, theo ông Hồ Thái Ngọc, không loại trừ nguyên nhân từ tình trạng bơm hút cát trái phép triền miên. Thời gian qua, lực lượng chức năng của xã đã có nhiều nỗ lực phối hợp cùng người dân ngăn chặn và xử lý các phương tiện khai thác cát trái phép.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng địa phương chưa ngăn chặn được một cách triệt để tình trạng này.

Ông Đinh Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết, trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên cù lao Tân Phong, huyện đang khảo sát hiện trạng và kiến nghị tỉnh Tiền Giang có biện pháp xử lý khắc phục một cách căn cơ và triệt để giúp người dân an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, huyện yêu cầu các ngành hữu quan như: cảnh sát môi trường, tài nguyên môi trường kết hợp cùng chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện và ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại môi trường, khai thác cát trái phép gây hậu quả nghiêm trọng.

Để khắc phục triệt để tình trạng sạt lở bờ sông trên cù lao Tân Phong, cần có những giải pháp tổng thể, khả thi với sự tham gia của các cấp, các ngành. Trong khi chờ đợi ngành hữu quan thực hiện những giải pháp quyết liệt, xã Tân Phong đã vận động người dân gia cố đê bao, làm cản chắn sóng, chắn gió từ ngoài sông, trồng và nuôi lục bình, trồng bần gây bồi, tạo bãi nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự xâm thực của sóng và gió sông Tiền.

Đồng thời, xã phát hiện, báo cáo ngành chức năng xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông một cách kịp thời. Xã Tân Phong trích ngân sách hỗ trợ những trường hợp hộ nghèo bị mất nhà, mất đất do xâm thực với mức từ 1-2 triệu đồng/ hộ, chia sẻ cùng người dân những khó khăn trước mắt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục