"Văn hóa đình công Pháp" trong con mắt báo chí châu Âu

05:30' - 13/05/2018
BNEWS Các phương tiện truyền thông châu Âu có những đánh giá khác nhau về những xung đột xã hội, khởi đầu từ các công đoàn thuộc công ty đường sắt quốc gia SNCF.
Nhân viên Hãng hàng không Air France tham gia đình công bên ngoài trụ sở ở Rossy, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN 

Báo chí Đức tỏ ra rất quan tâm đến những gì đang diễn ra ở Pháp, thông tin rất đậm về các cuộc đình công diễn ra dồn dập thời gian gần đây. Theo nhật báo Die Welt, các nhà bình luận nói chung đều hoan nghênh quá trình cải cách được khởi xướng bởi Tổng thống Emmanuel Macron, người "muốn xóa bỏ nhiều thập kỷ trì trệ chỉ trong vòng một vài tháng và làm cho một số người chóng mặt".

Các nhà bình luận khác lo ngại về ảnh hưởng của những cuộc đình công này đối với các cải cách cần thiết khác. "Sự thất bại của Pháp trong việc giải quyết bất bình đẳng xã hội, tình trạng thiếu lao động trình độ cao, thuế doanh nghiệp ở mức cao là những vấn đề cấp bách hơn việc cải cách công ty đường sắt quốc gia SNCF", theo bình luận của báo Süddeutsche Zeitung.

Trong khi đó, báo Handelsblatt báo động về tốc độ cải cách và việc thiếu giải thích đi kèm. Nhật báo kinh tế này bình luận "thông thường mỗi chính phủ chỉ có một nhiệm kỳ để hiện đại hóa đất nước. Đó là sự thật nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi cải cách lại không được giải thích một cách chính xác”. 

Tuần báo Der Freitag nhắc lại rằng quyền đình công ở Pháp ít bị đóng khung hơn nhiều so với ở Đức, nhưng các cuộc xung đột kéo dài thường có nhiều rủi ro đối với các công đoàn và thành viên công đoàn.

Tại Bỉ, nơi chính phủ của Thủ tướng Charles Michel đang thúc đẩy nhiều cải cách dẫn đến việc các công đoàn, nhất là trong dịch vụ hành chính công, liên tục tổ chức đình công suốt bốn năm qua, báo chí được dịp so sánh với tình hình của Pháp. Theo nhật báo kinh tế l’Echo, "Tổng thống Pháp tấn công trên tất cả các mặt trận xã hội, với tham vọng cũng lớn như những gì (Thủ tướng Bỉ) Charles Michel thực hiện".

Báo Le Soir số ra gần đây đã dành nhiều trang phân tích về các dự án cải cách của Tổng thống Macron. Tờ báo nhận định rằng ông Macron dường như đơn độc trong mọi tình huống và có nguy cơ, giống như Thủ tướng Bỉ, trở thành nhà lãnh đạo gây tranh cãi nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Thủ tướng Bỉ Charles Michel cũng tiến hành cải cách chính sách tiền lương, thuế, hệ thống lương hưu ..., và công ty đường sắt quốc gia SNCB.

Tại Hà Lan, nơi Thủ tướng Mark Rutte đã áp dụng một gói thắt lưng buộc bụng mạnh mẽ, nhờ đó tăng trưởng và thặng dư ngân sách đã quay trở lại, các chính trị gia và bình luận viên tỏ ra ngạc nhiên trước quy mô lớn của các cải cách ở Pháp nhưng không chắc chắn lắm về kết quả cuối cùng mà Pháp sẽ nhận được.

Báo chí Hà Lan đặc biệt lo ngại về tình hình của công ty quốc gia KLM - nay đã sáp nhập với Air France. Tờ Het Financieel Dagblad cho rằng Air France-KLM vẫn còn ở xa phía sau các đối thủ cạnh tranh. Vậy mà các công đoàn Pháp vẫn yêu cầu tăng lương lên 6%, điều mà công đoàn phi công NVL của Hà Lan đánh giá là "đòi hỏi quá mức", theo phản ánh của nhật báo De Telegraaf.

Trang web Nieuwsuur của kênh truyền hình nhà nước NOS đặt câu hỏi liệu ông Emmanuel Macron sẽ thực hiện tới cùng các dự định cải cách của mình. Nhà kinh tế Mathijs Bouman khẳng định sẽ không ai có thể làm nếu như không phải là Tổng thống Macron.

 Báo chí Vương quốc Anh thì đặt câu hỏi phải chăng nước Pháp đã tìm thấy "Thatcher" của mình. Đây là tiêu đề của một bức tranh biếm họa, ông Macron với những lọn tóc xoăn của bà cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đang giơ túi xách đập vào nhóm người biểu tình thuộc Tổng công đoàn CGT Pháp. Bức tranh ở trên trang nhất của tuần báo The Week, thể hiện sự quan tâm chung của báo chí nước Anh là liệu Tổng thống Pháp sẽ thành công trong việc làm dịu cơn giận dữ của những người biểu tình.

Từ nhiều năm nay, báo chí quốc gia này luôn tìm kiếm người sẽ cải cách nước Pháp như là người "đàn bà sắt" ở Vương quốc Anh trong những năm 1980. Các nhà báo Anh tưởng rằng đã tìm thấy một người như vậy cách đây một thập kỷ, đó là Tổng thống Nicolas Sarkozy. Tuy nhiên, giới báo chí Anh quốc hy vọng rằng chính ông Macron hiện nay mới là hiện thân của bà Thatcher.

Ngay khi bắt đầu chiến dịch biểu tình đầu tháng Tư và dự kiến sẽ kéo dài hai tháng do các công đoàn ngành đường sắt Pháp phát động, báo chí Anh đã nhận định tình hình sẽ khác so với thời của các Tổng thống Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Francois Hollande. Báo The Times cho rằng Tổng thống Macron có thể giành chiến thắng trước các công đoàn. 

Christian May, tổng biên tập của nhật báo kinh tế City A.M., khẳng định: "Nếu ông (Macron) không thành công trong việc tự do hóa và mở cửa nền kinh tế Pháp, tham vọng của ông biến đất nước mình thành một điểm đến của các công ty công nghệ mới sẽ mãi mãi là một giấc mơ".

Tại Tây Ban Nha, nơi mà các phương tiện truyền thông lớn bình luận về tất cả các quyết định chính trị của Tổng thống Emmanuel Macron với một thái độ ngưỡng mộ và khoan dung, các cuộc đình công của Pháp rất ít được nhắc đến ngoài một số bài ủng hộ các cải cách của Pháp. 

Nhật báo El Pais có bài xã luận nhan đề "Con tàu cải cách Pháp", đánh giá rằng việc nền kinh tế Pháp "đang tăng tốc và giảm thất nghiệp" là một cơ hội tuyệt vời để ông Macron thực hiện "các cải cách đã bị trì hoãn nhiều lần", giúp Pháp giành chiến thắng trong tương lai.

Các cuộc đình công tại Pháp không nhận được lời bình luận từ các công ty du lịch và các chủ doanh nghiệp, trong khi Pháp được coi là một quốc gia điển hình của các phong trào đình công và biểu tình đôi khi dẫn đến bạo lực. Duy nhất tờ El Mundo có nhận xét rằng dường như không ai hài lòng ở Pháp.

 Khi nói về những cuộc đình công ở Pháp, những người Scandinavi (Bắc Âu) luôn mỉa mai rằng ở đất nước này lúc nào chả có một xung đột xã hội đang xảy ra. Mỗi người kể về những trải nghiệm cá nhân ở Pháp, về những chuyến tàu hay chuyến bay bị hủy vì đình công. Tờ nhật báo Politiken của Đan Mạch có bài với tựa đề "Cuộc đình công có thể ảnh hưởng đến bạn như thế nào".

Trong một phóng sự, đài truyền hình Thụy Điển SVT khẳng định Pháp là quốc gia có nhiều đình công nhất trên thế giới, dựa trên báo cáo của Quỹ Hans Böckler (Đức) cho hay trong năm 2017, đất nước "hình lục lăng" ghi nhận đến 132 ngày đình công trên 1.000 nhân viên, so với 5 ngày ở Thụy Điển. 

Nhân dịp này, báo chí vùng Scandinavi đã soi xét các dự án cải cách doanh nghiệp của ông Macron. Sự nồng nhiệt của giới báo chí khu vực trước kết quả bầu cử Tổng thống Pháp một năm trước đó dường như đã giảm nhiệt trong những tháng gần đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục