14 năm tù cho “cò” lừa đảo chạy viên chức

09:55' - 12/05/2016
BNEWS Ngày 11/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử và tuyên án phạt bị cáo Phạm Thị Tư 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Ngày 11/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử và tuyên án phạt bị cáo Phạm Thị Tư (sinh năm 1962, trú ở xã Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội) 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 2 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt chung là 14 năm tù đối với bị cáo Phạm Thị Tư.

Phiên tòa đã làm rõ: Mặc dù không có chức năng, nhưng Phạm Thị Tư tự giới thiệu với nhiều người rằng Tư có khả năng “chạy” suất viên chức vào ngạch giáo viên, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ.

Tin lời Tư, tháng 5/2013, chị Kim Thị Nhung (sinh năm 1986, trú ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) gặp Tư nhờ “chạy” viên chức vào ngạch giáo viên. Nhận lời, Tư ra giá chị Nhung phải đưa cho thị 135 triệu đồng thì sẽ không phải thi tuyển.

Chị Nhung đã nhanh chóng chuyển đủ số tiền nêu trên cho Tư, tuy nhiên, thực tế Tư không hề có bất kỳ một “cửa” nào giúp chị Nhung.

Để tạo lòng tin cho vợ chồng chị Nhung, khi nhận tiền xong, Tư đến gặp Phạm Thị Tâm (sinh năm 1982, ở huyện Phúc Thọ - là em cùng cha khác mẹ với Tư và hiện vẫn vắng mặt tại địa phương) nhờ làm giả các quyết định của cơ quan chức năng.

Cả hai bàn bạc và đã làm giả Quyết định tuyển dụng, phân công công tác của UBND huyện Thạch Thất và quyết định bổ nhiệm viên chức chính thức của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đối với chị Nhung.

Tháng 7/2014, Tư đã giao cho chị Nhung cả 2 quyết định giả mạo nói trên. Sau đó, Tư còn yêu cầu chị Nhung phải đưa thêm 35 triệu đồng nữa để cảm ơn một số người đã giúp đỡ.

Song, sau một thời gian dài cầm các quyết định trong tay nhưng chị Nhung vẫn không hề được “cơ quan mới” thông báo đến làm việc.

Nghi ngờ có sự dối trá, vợ chồng chị Nhung tìm hiểu thì được biết Tư đã bị cơ quan công an bắt giữ và điều tra về hành vi lừa đảo “chạy” viên chức cho nhiều giáo viên hợp đồng ở một số huyện ngoại thành, thuộc tỉnh Hà Tây (cũ)...

Cơ quan điều tra cũng làm rõ: Ngoài hành vi làm giả con dấu, tài liệu để lừa đảo chiếm đoạt tiền của vợ chồng chị Nhung, từ tháng 12/2013 đến đầu năm 2015, Tư còn chiếm đoạt gần 700 triệu đồng của 5 giáo viên khác với cùng thủ đoạn tương tự.

Hội đồng xét xử nhận định: Hành vi của bị cáo Phạm Thị Tư rất nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo không chỉ sử dụng thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt số tiền lớn của các bị hại, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan chức năng mà còn làm giảm uy tín cơ quan Nhà nước.

Do đó, cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo để cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục