365 ngày đầy biến động với Tổng thống doanh nhân đầu tiên của nước Mỹ

05:30' - 28/01/2018
BNEWS Một năm trước vào ngày 20/1, tỷ phú Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Nhiều người dự đoán Mỹ sẽ bước vào thời kỳ bất định trước thái độ cùng tuyên bố mạnh mẽ của tân chủ nhân Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN

Hãy cùng nhìn lại một năm thành quả của vị Tổng thống thứ 45 và liệu có hy vọng sau một năm “thử việc”, ông sẽ chuyên nghiệp hơn?

Phong cách cầm quyền “khác lạ”…

Ba đặc điểm lớn trong phong cách cầm quyền của Tổng thống Donald Trump thu hút sự chú ý của mọi người: đăng trên trang mạng xã hội Twitter, phản đối đường lối chính sách trước đây, nhóm cố vấn

Đăng trên trang mạng xã hội Twitter là vũ khí quan trọng để ông Donald Trump trong thời gian tranh cử động viên người ủng hộ, sau khi vào Nhà Trắng ông vẫn giữ thói quen này, ông dùng Twitter để bày tỏ lập trường và thái độ của mình. 

Việc này cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi, thậm chí dẫn đến một số người ủng hộ không thừa nhận hành vi cầm quyền của ông. 

Là người theo phe phản đối đường lối chính sách trước đây, Tổng thống Trump đã thể hiện rõ sự bất mãn và không tín nhiệm mạnh mẽ đối với phe ủng hộ đường lối chính sách trước đây, điều này vừa thể hiện ở việc ông yêu cầu cắt giảm ngân sách và biên chế của Bộ Ngoại giao, vừa biểu hiện ở sự đối đầu mạnh mẽ của ông với truyền thông chính thống. 

Thêm vào đó, ông Trump dựa vào một nhóm cố vấn mà ông tin tưởng (trong đó có người nhà của ông) để đưa ra mệnh lệnh, đây vừa là sự tiếp tục thói quen quản lý công ty mà ông với tư cách là ông chủ, vừa là sự thể hiện không tin tưởng thể chế quan liêu. 

Đến cuối năm 2017, bộ máy lãnh đạo hành chính của ông  Trump vẫn chưa hoàn thiện, trong đó sự thiếu hụt ở cấp Bộ trưởng, cấp Thứ trưởng và cấp cục lần lượt lên đến 10%, 30% và 60%. 

Thực tế này không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực thi nhiệm vụ chính trị của chính quyền ông Trump, mà còn gia tăng hơn nữa sự phụ thuộc của ông vào vòng quyết sách cốt lõi. 

Hơn nữa trong nội bộ nhóm của ông Trump cũng tồn tại sự lục đục nội bộ giữa các phe phái, đặc biệt cái gọi là “phe theo chủ nghĩa địa phương” và “phe theo chủ nghĩa toàn cầu” trên phương diện lợi ích và quan niệm giá trị đều tồn tại bất đồng ở mức độ khác nhau, cộng thêm các thành viên gia đình của Donald Trump đóng vai trò quan trọng hiếm thấy trong nhóm cố vấn của ông, điều này đã khiến cho quá trình quyết sách trở nên phức tạp hơn.

… chưa đạt hiệu quả như mong muốn

Khi vừa lên nhận chức, tân Tổng thống Trump một mặt nỗ lực xóa bỏ di sản chính trị của Tổng thống Obama, như rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thúc đẩy hủy bỏ Chương trình bảo hiểm y tế giá rẻ (Obamacare), rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, có ý định xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran; mặt khác thúc đẩy các chính sách mới của chính ông như ban hành sắc lệnh cấm người Hồi giáo, hạn chế người tị nạn bất hợp pháp, xây bức tường ở biên giới Mỹ-Mexico, thúc đẩy cải cách thuế, khởi động xây dựng cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn… 

Mặc dù ông Donald Trump có ưu thế về “chính phủ thống nhất” (đảng Cộng hòa đồng thời kiểm soát cơ quan hành pháp và lập pháp), nhưng xét lại 1 năm cầm quyền của ông dường như thành quả đạt được như mong muốn không nhiều. 

Do sự phản đối của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, việc hủy bỏ Obamacare thất bại, việc xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran cũng gặp nhiều trở ngại. Sắc lệnh cấm người Hồi giáo gặp trắc trở, đến cuối năm 2017 mới ngã ngũ. 

Việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico tuy đã được khởi động, nhưng hiệu quả chưa rõ ràng. Phương án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn vẫn chưa được ban hành. 

Điểm sáng thực sự là ngày 21/12/2017, Quốc hội Mỹ cuối cùng đã thông qua Dự luật giảm thuế và ngày hôm sau ông Donald Trump đã ký thành luật. Luật cải cách thuế có quy mô lớn nhất kể từ năm 1986 này có lẽ là thành tựu quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Xét từ hiệu quả cầm quyền trong năm đầu tiên của ông Trump, trên phương diện chính trị, biểu hiện là tỷ lệ ủng hộ thấp, sự chia rẽ chính trị và đấu tranh phe phái trầm trọng hơn, sự không thích ứng trong nội bộ đảng Cộng hòa đối với ông Trump. 

Trong phần lớn thời gian của năm đầu tiên, tỷ lệ ủng hộ của ông chỉ có hơn 30%, điều này đã lập kỷ lục về tỷ lệ ủng hộ thấp trong năm đầu tiên cầm quyền của Tổng thống Mỹ.

Mặc dù vậy, trên phương diện kinh tế lại là một điềm báo khác. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ trong ba quý đầu năm 2017 lần lượt là 1,2%, 3,1% và 3,2%, cả năm có triển vọng đạt khoảng 2,5%. Tình hình thị trường lao động tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 4,1% - mức thấp nhất trong mười mấy năm qua. 

Ba chỉ số cổ phiếu chủ chốt liên tiếp lập kỷ lục cao mới, không những tổng giá trị tài chính vượt trước khủng hoảng, thu nhập gia đình ở Mỹ cũng vượt trên mức đỉnh năm 1999. Lòng tin của người tiêu dùng tăng lên.

Tuy hiện nay những thành tích này không thể tính là sự đóng góp chính sách trực tiếp của ông Trump, song tín hiệu chính sách (coi trọng thương mại, giảm thuế, nới lỏng quản lý) mà ông đưa ra sau khi cầm quyền chắc chắn giúp tăng cường lòng tin của các doanh nghiệp và người dân vào tương lai. 

Việc thông qua Đạo luật giảm thuế có triển vọng tăng cường hơn nữa sức sống kinh tế, khiến cho tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2018-2019 có thể đạt mức cao mới sau cuộc khủng hoảng năm 2008, gần thậm chí đạt đến mức 3%, mặc dù tính bền vững của sức sống này không mạnh.

Ở một góc nhìn khác

Theo một kết quả thăm dò, 53% người Mỹ cho rằng uy thế của Mỹ đã yếu đi với chính sách “nước Mỹ trước tiên” của ông Donald Trump. Tuy nhiên nhìn lại 12 tháng qua, không ít giới phân tích tỏ ra bớt nghiêm khắc. David Gordon của USA Today cho rằng ông Trump “không tệ như mình tưởng”. 

Tuần báo Mỹ The Economist và nguyệt san Le Monde Diplomatique của Pháp cũng cùng nhận định: Trong chính sách ngoại giao, Tổng thống Trump tuy tuyên bố vung vít nhưng không làm những chuyện điên rồ. 

Tuy rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu thế giới (Hiệp định COP21) gây khó khăn cho nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, song Mỹ vẫn không bỏ liên minh NATO. Thậm chí, các nước Đông Âu còn thích những lời tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Trump đối với mối đe dọa quân sự của Nga hơn là thái độ lơ là của Tổng thống Barack Obama. 

Tổng thống Trump tuy phê bình các Tổng thống tiền nhiệm “phiêu lưu chiến tranh”, nhưng chính ông đã tăng cường khả năng phòng thủ cho Afghanistan và giúp Iraq cùng phe Syria thân phương Tây đánh bại Daech, tái chiếm lãnh thổ. Với chuyến công du châu Á suốt 12 ngày trong tháng 11/2017, khó mà cáo buộc Tổng thống siêu cường đã bỏ mặc thế giới.

Trên thực tế, tuy phong thái của Tổng thống Trump đi ngược lại truyền thống trong quan hệ quốc tế, nhưng nước Mỹ của ông thì không. Charles Krauthammer, một nhà bình luận thuộc xu hướng tân bảo thủ lưu ý: “Một thế giới rộng mở cho trao đổi thương mại và hợp tác phòng thủ chung là nhãn quan của Tổng thống Trump, được tất cả các vị Tổng thống từ đó đến bây giờ chia sẻ”.

Có thể nói, trong 1 năm Tổng thống Trump lên cầm quyền, xét từ chính sách đối nội, ông muốn tạo dựng lại một nước Mỹ của thế kỷ 19: một xã hội do người da trắng chỉ đạo, coi thường sắc tộc thiểu số, hạn chế người nhập cư và một nền kinh tế có ngành sản xuất lớn mạnh. 

Trong quan hệ với thế giới bên ngoài, ông muốn xây dựng chính sách ngoại giao “phiên bản Mỹ” chứ không phải là “phiên bản thế giới” đó là lấy lợi ích kinh tế và an ninh của bản thân nước Mỹ làm xuất phát điểm, duy trì sự tham gia và can thiệp ở nước ngoài khi cần thiết, nghĩa vụ đối với quan hệ đồng minh được quyết định bởi sự cân nhắc lợi ích của bản thân, nỗ lực giảm bớt sự tham dự trong cơ chế đa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục