ACV ký hợp đồng chiến lược với Tập đoàn Aeróports de Paris trong tháng 3

18:39' - 11/01/2017
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải đang đàm phán với Tập đoàn Aeróports de Paris - nhà đầu tư chiến lược của ACV, dự kiến ký kết các hợp đồng, hoàn tất giao dịch trong tháng 3/2017.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 của Bộ Giao thông Vận tải vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua được Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục được đẩy mạnh.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo triển khai các thủ tục để cổ phần hóa đối với 2 bệnh viện và 2 trường thuộc Bộ; thực hiện cổ phần hóa đối với 4 công ty mẹ - tổng công ty, 8 công ty con thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC); hoàn thành cổ phần hóa Công ty TNHH Một thành viên Vận hành Bảo trì đường cao tốc thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

“Riêng đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Bộ Giao thông Vận tải đã đàm phán, ký kết hợp đồng với các cổ đông chiến lược.

Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành đàm phán, ký kết hợp đồng cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines với hãng All Nippon Airways (Nhật Bản); đang tích cực đàm phán với Tập đoàn Aeróports de Paris - nhà đầu tư chiến lược của ACV, dự kiến ký kết các hợp đồng, hoàn tất giao dịch trong tháng 3/2017”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần, Bộ Giao thông Vận tải đã lập kế hoạch và thực hiện giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch. Số liệu tổng hợp cho biết, đã có 37 công ty cổ phần thực hiện giao dịch, niêm yết cổ phiếu với tổng giá trị chứng khoán theo mệnh giá là trên 35.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển giao quyền đại diện sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Thăng Long và 8 Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); thoái vốn tại 22 công ty cổ phần và 17 doanh nghiệp thuộc các công ty mẹ - tổng công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Đối với 3 Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8), Xây dựng đường thủy và Công ty Tracimexco, Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với SCIC thẩm định hồ sơ chuyển giao.

Tính chung cả năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành thoái vốn tại 22 công ty cổ phần, giá trị thu về đạt trên 2.301 tỷ đồng; toàn bộ số tiền thu được sau khi trừ chi phí đã được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định; các công ty mẹ - Tổng công ty thuộc Bộ đã thoái vốn tại 17 doanh nghiệp, thu về 262 tỷ đồng, bằng 214,7% giá trị mệnh giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục