Ai Cập đang rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng

13:25' - 28/03/2016
BNEWS Ngày 27/3, Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail cho biết nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Nguồn thu từ kênh đào Suez đang giảm mạnh. Ảnh minh họa: Reuters

Thủ tướng Ismail kêu gọi các địa phương nỗ lực chung tay với chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. 
Trình bày chương trình kinh tế-xã hội tại Quốc hội ngày 27/3, Thủ tướng Ismail nói rằng đất nước Kim tự tháp đã phải đối mặt với các điều kiện kinh tế và chính trị "hà khắc" kể từ năm 2011, đặc biệt là các mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia. 
Về vấn đề kinh tế, ông Ismail chỉ ra rằng các nguồn thu ngoại tệ chủ chốt như kênh đào Suez và du lịch đã và đang giảm mạnh là nguyên nhân then chốt dẫn đến đà suy giảm tăng trưởng kinh tế hiện nay. Vụ rơi máy bay chở khách của Nga tại Bán đảo Sinai hồi cuối tháng 10 năm ngoái đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch của Ai Cập. Theo số liệu chính thức, doanh thu từ du lịch đã giảm mạnh từ 10,6 tỷ USD tài khóa 2010-2011 xuống còn 7,4 tỷ USD tài khóa 2014-2015. 
Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh yếu kém của các doanh nghiệp trong nước và đà suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới cũng tác động tiêu cực đến sức tăng trưởng của nền kinh tế Ai Cập. Lạm phát cao, luôn ở mức 10-12%, đã ảnh hưởng xấu đến đời sống của người nghèo và người có thu nhập thấp. Thâm hụt ngân sách đã chạm ngưỡng 11,5% GDP trong tài khóa 2014-2015.

Nợ nước ngoài của Ai Cập đã tăng từ 33,7 tỷ USD tháng 6/2010 lên gần 48,3 tỷ USD vào cuối tháng 1/2016, do đó tiền lãi thanh toán cho các khoản nợ công chiếm tới 26% tổng chi ngân sách trong tài khóa 2014-2015. Hiện nay, khoảng 75% chi ngân sách được dùng để trả lương và trợ cấp xã hội, trong khi 25% còn lại được dành cho hạ tầng và các dịch vụ công cộng. 
Lưu ý rằng Ai Cập là một những quốc gia có mức tăng trưởng dân số cao nhất thế giới, ông Ismail nhấn mạnh: "Dân số của Ai Cập đã tăng từ 77 triệu người trong tài khóa 2009-2010 lên 90 triệu người vào tháng 12/2015. Tăng trưởng dân số hàng năm đã ở mức 26%, cao hơn 8 lần so với tỷ lệ này của Hàn Quốc và 4 lần so với Trung Quốc".

Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng nhanh, từ 9% trong tài khóa 2009-2010 lên 13,3% tài khóa 2015-2016. Do ngân sách hạn hẹp và đầu tư ngày càng sa sút, Chính phủ Ai Cập không còn khả năng cải thiện các dịch vụ công cộng cho người dân. Trong bối cảnh dân số tăng chóng mặt, tăng trưởng kinh tế vẫn chỉ đạt một trong những mức thấp nhất trong 5 năm qua. Trong khi dân số tăng hơn 2,5 triệu người mỗi năm thì tăng trưởng kinh tế đã giảm xuống còn 4,2%. 
Ông Ismail cho biết để đối phó với các thách thức và đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, Chính phủ Ai Cập đã soạn thảo một chương trình cải cách kinh tế 3 năm, trong đó chú trọng việc đảm bảo an ninh quốc gia, đẩy mạnh cải cách kinh tế và thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện hệ thống hạ tầng, đảm bảo minh bạch, chống tham nhũng, củng cố vai trò của Ai cập trong thế giới Arập cũng như tại châu Phi và trên trường quốc tế. 
Cũng theo chương trình kinh tế-xã hội do Thủ tướng Ismail trình lên Quốc hội, Ai Cập đặt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế 5-6% vào cuối tài khóa 2017-2018 và hơn 6% trong những năm tiếp theo. Thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ giảm xuống còn 9-10% GDP trong tài khóa 2017-2018 và 8-9% GDP tài khóa 2019-2020.

Chính phủ Ai Cập cũng có kế hoạch áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT), động thái được coi là cần thiết để Cairo có thể được nhận khoản giải ngân đầu tiên trị giá 1 tỷ USD trong gói tín dụng 3 tỷ USD mà Ngân hàng Thế giới ký với Ai Cập hồi tháng 12/2015. Nước này dự kiến thu hút 15-20 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trái phiếu chính phủ và tăng cường kiểm soát nhập khẩu với mục tiêu giảm 3-5% thâm hụt thương mại vào cuối tài khóa 2017-2018, đồng thời đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 9% vào cuối tài khóa 2019-2020.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục