Ai Cập tiếp tục lao đao vì "bóng ma" khủng hoảng (Phần 1)

06:30' - 21/04/2017
BNEWS Bất ổn an ninh và chính trị có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch quốc tế - hai nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập - xa lánh nước này.
Ai Cập tiếp tục lao đao vì "bóng ma" khủng hoảngsau 2 vụ đánh bom nhà thờ của người Cơ đốc giáo. Ảnh: EPA

Mới đây nhất là hai vụ đánh bom vào 2 nhà thờ Cơ đốc giáo tại miền Bắc Ai Cập vào sáng ngày 9/4, làm ít nhất 44 người thiệt mạng và hơn 120 người bị thương. Một ngày sau đó, nội các Ai Cập đã thông qua tình trạng khẩn cấp toàn quốc kéo dài 3 tháng tại nước này.

Trước đó vào tối 9/4, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong vòng 3 tháng sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Theo ông Abdel Fattah el-Sisi, động thái này là nhằm bảo vệ đất nước và ngăn chặn các hành động tấn công khủng bố. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã lên án các vụ tấn công này.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) cho biết TTK LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ sự thương cảm sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong hai vụ tấn công trên, tới chính phủ và nhân dân Ai Cập.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đã bày tỏ tình đoàn kết với Ai Cập sau hai vụ đánh bom thảm khốc tại nhà thờ Cơ Đốc giáo. Trong một tuyên bố, Tổng thống Hollande cho rằng Ai Cập một lần nữa bị tấn công bởi những kẻ khủng bố muốn hủy hoại sự thống nhất và sự đa dạng của quốc gia Bắc Phi này.

Nhà lãnh đạo Pháp cam kết tăng cường hợp tác với giới chức Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.

Bất ổn về chính trị sẽ dẫn đến những bất ổn về kinh tế, đặc biệt là đối với ngành du lịch, vốn có vai trò như một “con gà đẻ trứng vàng”, đóng góp đến 11,4% nền kinh tế Ai Cập trong năm 2015.

Trước khi xảy ra hai vụ tấn công kể trên, ngành công nghiệp “không khói” này đã thoái trào nghiêm trọng sau một loạt sự cố. Hồi tháng 10/2015, một chiếc máy bay của Nga đã gặp tai nạn tại Sinai khiến hơn 200 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là người Nga.

Theo hãng lữ hành Thomas Cook, kể từ năm 2012, số khách du lịch của hãng có nhu cầu đến quốc gia Bắc Phi cũng đã hạ từ 6% xuống chỉ còn chưa đến 3%. Trong khi đó, phía Bắc của thành phố Sharm el-Sheikh, nơi từng được coi là “miễn nhiễm” trước những ảnh hưởng của sự suy thoái ngành du lịch, nay cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Những thị trấn ven biển như Dahab và Nuweiba từng thu hút rất nhiều khách du lịch đến từ Vương quốc Anh và Nga cùng các nước châu  u khác cũng trở nên vắng vẻ hơn nhiều. Theo báo cáo của Capmas, số lượt khách từ Nga, Vương Quốc Anh, Đức đến du lịch tại Ai Cập đã lần lượt giảm 60%, 17,5% và 10,4% vào tháng 7/2016 so với cùng kỳ năm 2015.

Ngành công nghiệp “không khói” của Ai Cập gặp nhiều khó khăn. Ảnh: PlanetWare

Kết quả là, theo số liệu từ văn phòng thống kê Ai Cập Capmas, số lượt khách du lịch đến với nước này trong tháng 7/2016 đã giảm 41,9% so với cùng kỳ năm trước đó.

Bất ổn an ninh và chính trị đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch quốc tế - hai nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập - xa lánh nước này. Kinh tế Ai Cập trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, giữa lúc một loạt lĩnh vực chủ chốt như du lịch, doanh thu từ kênh đào Suez, kiều hối, đầu tư nước ngoài... giảm mạnh.

Bên cạnh đó, giá dầu mỏ sa sút thời gian qua cũng khiến các nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ tài chính mà một số đồng minh khu vực dành cho Ai Cập cũng trở nên eo hẹp hơn.

Báo cáo được công bố hồi đầu tháng 11/2016 của Bộ Kế hoạch Ai Cập cho biết tăng trưởng kinh tế của nước này trong tài khóa 2015/2016 chỉ đạt 4,3%, giảm đáng kể so với mức tăng 6,7% của tài khóa trước và thấp hơn so với mức mục tiêu 4,5-5% của Cairo.

Sự lạnh nhạt của du khách quốc tế đã đẩy nền kinh tế Ai Cập rơi vào vòng xoáy giảm tốc, thậm chí ngay cả khi chính phủ nước này cố khẳng định rằng những dự án trên quy mô lớn như dự án xây dựng kênh đào Suez thứ hai sẽ có thể làm thay đổi tình hình.

Ai Cập đã phải chấp nhận vay 12 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với điều kiện Cairo tiếp tục hạn chế hơn nữa các chính sách trợ giá và tiến hành phá giá đồng nội tệ lần thứ hai trong năm 2016.

Kết quả là lạm phát tăng cao đối với các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu. Đó là còn chưa kể đến quyết định bất ngờ áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) của chính phủ đã làm người dân điêu đứng.

Xem tiếp phần 2

>>> Vụ đánh bom 2 nhà thờ Cơ đốc giáo tại Ai Cập: TTK LHQ lên án mạnh mẽ

>>> Đồng nội tệ rớt giá - “cơ hội vàng” cho nhà sản xuất nội địa Ai Cập

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục