Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009

05:30' - 13/06/2018
BNEWS Chuyên gia kinh tế Winarno Zain nhận định cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra vào năm 2008-2009 là cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất thế giới tính từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930.
Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cú sốc tài chính diễn ra từ năm 2008 tại Mỹ đã gây cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu. Mười năm sau, Indonesia vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của cuộc khủng hoảng này.

Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Indonesia (KPK) vẫn đang tiến hành điều tra gói cứu trợ của Ngân hàng Thế kỷ của Indonesia, đây cũng là ngân hàng duy nhất của Indonesia bị phá sản do tác động của cuộc khủng hoảng.
Rất nhiều nhà đầu tư của Indonesia khi đó đã mất hàng triệu USD vào các ngân hàng Mỹ. Trong giai đoạn diễn ra cuộc khủng hoảng từ năm 2007-2009 ở Mỹ, GDP của nước này đã biến động mạnh. Vào quý III/2008 tăng trưởng GDP ở mức 3,7%, đến quý IV/2008 con số này tăng lên 8,9% và đến quý I/2009 thì hạ xuống còn 5,3%.
Cuộc khủng hoảng này khiến nền kinh tế toàn cầu thất thoát 4.500 tỷ USD vào năm 2009. Các quốc gia khác đã mất một thời gian dài sau đó mới có thể khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và thậm chí có nhiều lĩnh vực không thể nào phục hồi được. Sau đúng 10 năm, thế giới lại đang phải đối mặt với những mầm mống có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng mới.
Giá nhà ở tăng cao tại Mỹ đang tạo áp lực đối với các ngân hàng và rất dễ xảy ra tình trạng tăng trưởng nóng. Trong 3 tháng đầu năm 2018, giá nhà ở tại nước này đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017.

Frank Nothaft - chuyên gia kinh tế của CoreLogic cho biết: “Nhu cầu cao và nguồn cung hạn chế đã đẩy giá nhà vượt qua mức tăng kỷ lục được ghi nhận vào đầu năm 2006. Hoạt động xây dựng nhà mới vẫn diễn ra chậm chạp, nguồn cung thiếu hụt tiếp tục tạo áp lực lên giá bán”.

Việc giá nhà ở bị đẩy lên cao sẽ ảnh hưởng nặng nề đến mức thu nhập cũng như đời sống của người dân, từ đó kéo theo những hệ quả xấu đối với nền kinh tế.
Ngày 15/9/2008, Lehman Brothers Holdings nộp đơn xin phá sản sau 158 năm hoạt động. Cùng ngày, một tập đoàn ngân hàng lớn khác của Mỹ là Merrill Lynch đã tuyên bố sáp nhập với Bank of America với trị giá 50 tỷ USD, do thua lỗ bởi cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp nhà ở tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Trước đó, Bear Stearns cũng đã được bán cho JP Morgan trong tháng 3/2008 với nguyên nhân tương tự.
Ngày 19/9/2008, Chính phủ Mỹ đưa ra kế hoạch cứu trợ cả gói trị giá 700 tỷ USD để mua lại các khoản vay thế chấp có tính thanh khoản yếu và các tài sản khác liên quan đến nợ xấu của ngân hàng, tập đoàn tài chính. Tuy nhiên, khi khoản trợ cấp này chưa được Quốc hội Mỹ thông qua, các chỉ số chứng khoán chủ đạo của Mỹ đã sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1987, thậm chí, chỉ trong một ngày, thị trường chứng khoán Mỹ bị "bốc hơi" tới 1.100 tỷ USD.
Đối với Indonesia, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 rất nặng nề, với những ảnh hưởng có thể coi là lớn nhất trong số các nước Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng GDP của nước này đã hạ từ mức 6,1% năm 2008 xuống còn 4,5% vào năm 2009. Thái Lan và Malaysia với mức tăng trưởng tương ứng là 2,3% và 1,5% vào năm 2009.
Ngay từ khi bắt đầu khủng hoảng tiền tệ, thị trường cổ phiếu của Indonesia cũng như các nước Đông Nam Á sa sút, chính phủ các nước cũng tuyên bố hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009. Việc thắt chặt tiền tệ và nhu cầu toàn cầu giảm sút làm giảm lòng tin của nhà tiêu dùng và nhà đầu tư, điều này gây ảnh hưởng bất lợi đối với ngành chế tạo và xuất khẩu của khu vực.
Đối với Singapore, ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ toàn cầu đối với ngành du lịch nước này khá rõ rệt. Tháng 9/2008, khách du lịch đến Singapore giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2008 và tình trạng giảm sút này còn kéo dài đến hết năm 2009 cũng như năm 2010.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến 5 ngành lớn của Philipines. Cụ thể, lao động Philipines tại nước ngoài bị mất việc làm buộc phải quay về nước, ngành dịch vụ bao gồm bất động sản gặp khó khăn, các ngành điện tử, viện trợ nước ngoài, xuất khẩu nông sản giảm sút từ đó đã tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.
Dư âm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 vẫn còn đó. Bài học đầu tiên cần phải rút ra là nền kinh tế của mỗi quốc gia phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đây là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng. Thêm nữa, các nước cần phải có các định chế tài chính chặt chẽ và nó không thể bị xâm phạm vì bất cứ lý do gì.
Hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008-2009 đối với một số quốc gia hiện vẫn chưa thể khắc phục. Trên thế giới hiện đang xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ mới nếu các quốc gia không có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục