Khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng nợ một lần nữa? (Phần 1)

05:30' - 23/01/2018
BNEWS 10 năm sau sự sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu, đã có những cảnh báo nợ nần sẽ trở thành mối rủi ro lớn cho các thị trường tài chính thế giới.

No Title

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Ảnh AP/TTXVN

Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn thuận lợi nhất với mức tăng trưởng và lạm phát không quá "nóng" cũng không quá "lạnh", tuy nhiên đã xuất hiện những cảnh báo nợ nần sẽ trở thành một mối rủi ro lớn.

Báo động “cấp tối đa”

Giới quan sát đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu khá khả quan với tốc độ tăng trưởng ổn định. Kinh tế Mỹ -nền kinh tế hàng đầu thế giới- đang hướng tới chu kỳ tăng trưởng dài nhất trong lịch sử, còn Trung Quốc -động lực tăng trưởng toàn cầu trong mấy chục năm gần đây- cũng đang duy trì đà phát triển của mình.

Trong khi đó, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bắt đầu khởi sắc với tốc độ tăng trưởng vừa phải sau nhiều năm èo uột. Các quốc gia đang nổi như Brazil được kỳ vọng sẽ phục hồi sau thời kỳ suy thoái.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2018 và những dự báo này truyền tải niềm lạc quan vốn luôn “héo hắt” trong hơn 10 năm qua. 

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã dẫn câu nói của cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy để khuyến nghị các chính phủ cần thận trọng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải quyết các rủi ro tiềm tàng ngay lúc này, trong đó có vấn đề nợ. 

Giới chuyên gia cảnh báo nếu Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) không xem xét triệt để chính sách kinh tế của mình, một cuộc khủng hoảng tài chính lớn rất có thể sẽ bùng phát. 

Theo bài viết trên tờ Les Echos (Pháp), trong khoảng một thập niên, từ năm 2006 đến 2016, tổng số nợ toàn cầu đã tăng từ 234% lên 275% GDP. 

Chỉ riêng nợ gia đình tại những quốc gia giàu đã tăng từ 52% trong năm 2008 lên 63% vào năm ngoái, có nghĩa là mấp mé với mức 65%. Đây là mức mà theo IMF có khả năng bùng phát khủng hoảng rất cao.

Trong một phân tích gần đây, chuyên gia Patrick Artus của hãng Netixis đã chỉ ra “thủ phạm” trực tiếp của tình trạng trên là do giá cổ phiếu, bất động sản, tỷ số nợ trên tổng tài sản của doanh nghiệp… leo thang không ngừng, mà đằng sau nó là chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Theo nhà kinh tế này, với chính sách lãi suất âm, nhiều chính phủ các nước châu Âu được trả tiền để vay thêm các khoản tiền mới. Đây là nguồn gốc của tình trạng nợ công tăng vọt tại một số nước (năm 2008 đến 2016, nợ công của Pháp tăng từ 68% lên 96% GDP; Đức 65% - 68% GDP). 

Về phía các doanh nghiệp, do lãi suất tiền vay quá thấp, nhiều công ty vay tiền để mua lại cổ phiếu thay vì đầu tư cho sản xuất.

Tờ Les Echos cho rằng các nhà lãnh đạo G7 đã không tiến hành những cải cách cấu trúc cần thiết để khôi phục tăng trưởng, hỗ trợ tạo việc làm và giảm bớt tình trạng bất bình đẳng, mà chủ trương dùng chính sách tiền tệ làm công cụ chủ yếu. Điều đó đã khiến bong bóng nợ khổng lồ đang ngày một phình lên và đe dọa sẽ nổ tung./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục