Bất cập trong quy định pháp luật về quản lý chuyên ngành

11:22' - 22/09/2017
BNEWS Còn nhiều vấn đề nổi cộm trong quy định về quản lý chuyên ngành như việc kiểm tra toàn bộ các lô hàng đang là nguyên nhân dẫn tới những bất cập chủ yếu trong thực tiễn quản lý chuyên ngành ở Việt Nam.

Kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: TTXVN

Pháp luật về quản lý chuyên ngành của Việt Nam không phải là một hệ thống pháp luật đơn nhất mà là tập hợp các quy định có liên quan tới quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong nhiều hệ thống pháp luật chuyên ngành khác nhau.

Hiện có khoảng xấp xỉ 300 văn bản (bao gồm các văn bản pháp luật, văn bản khác như công văn, hướng dẫn, thông báo…) có quy định về vấn đề này, được soạn thảo, ban hành hoặc thực thi bởi ít nhất 10 bộ chuyên ngành là Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường; Lao động, Thương binh và Xã hội.

Qua rà soát các văn bản pháp luật có liên quan tới kiểm tra chuyên ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận thấy còn nhiều vấn đề nổi cộm trong quy định về quản lý chuyên ngành như việc kiểm tra toàn bộ các lô hàng đang là nguyên nhân cơ bản dẫn tới những bất cập chủ yếu trong thực tiễn quản lý chuyên ngành ở Việt Nam khiến cho thời gian giải phóng hàng bị kéo dài, chi phí quản lý chuyên ngành quá lớn…

Việc kiểm tra tất các lô hàng còn áp dụng triệt để ở hàng mẫu, dù cho đây là sản phẩm công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, chưa xuất hiện trên thị trường (như Intel phản ánh).

Đối một số sản phẩm công nghệ mới, hiện không có quy chuẩn để đối chiếu nhưng khi nhập khẩu vẫn phải làm thủ tục đăng ký hợp chuẩn, hợp quy theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều này tạo ra sự chậm trễ và ách tắc trong thông quan.

Ngoài ra, vấn đề tiền kiểm cũng tác động không nhỏ và gây nhiều áp lực đối với doanh nghiệp. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế (VCCI) cho rằng, yêu cầu tiền kiểm tất cả các loại hàng hóa là nguyên nhân dẫn tới tình trạng dồn ứ hàng tại cảng, quá tải của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, làm mất chi phí lưu kho bãi, chậm giải phóng hàng, hư hỏng hàng hóa...

Cùng với đó là bất cập về thủ tục hồ sơ kiểm tra chuyên ngành bất hợp lý; hay một loại hàng hóa phải chịu cùng lúc nhiều quy trình quản lý chuyên ngành; sự độc quyền trong hoạt động kiểm tra, đánh giá sự phù hợp; các yêu cầu kiểm tra chuyên ngành còn cứng nhắc và không thực tiễn...

Trước thực tiễn đó, VCCI kiến nghị, cần thay đổi cơ chế, giao quyền và tăng cường năng lực cho cơ quan hải quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục