Bầu cử Tổng thống Pháp: Báo giới đánh giá thế nào về hành động kinh tế của các ứng viên?

19:07' - 09/04/2017
BNEWS Kết quả nghiên cứu của tổ chức tư vấn Montaigne nhận định chương trình hành động đề xuất của cả 5 ứng cử viên đều không tiết kiệm cho ngân sách quốc gia như họ cam kết, do phát sinh nhiều chi phí mới.
 
Bầu cử Tổng thống Pháp: Báo giới đánh giá thấp chương trình hành động kinh tế các ứng viên. Ảnh: reuters

Chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017, các nhật báo Pháp đã dành nhiều bài viết phân tích các chiến dịch tranh cử của 5 ứng cử viên: François Fillon, Emmanuel Macron, Marine Le Pen, Benoit Hamon và Jean-Luc Mélenchon.

Đáng chú ý là bài viết "Bầu cử tổng thống: Chi phí thực sự cho những lời hứa của các ứng cử viên” trên trang nhất của nhật báo Les Echos.

Bài báo dẫn kết quả nghiên cứu của tổ chức tư vấn Montaigne nhận định chương trình hành động đề xuất của cả 5 ứng cử viên đều không tiết kiệm cho ngân sách quốc gia như họ cam kết, do phát sinh nhiều chi phí mới.

Cụ thể, ứng cử viên Fillon và Macron từng tuyên bố chương trình hành động của họ sẽ giúp tiết kiệm lần lượt là 100 tỷ và 60 tỷ euro, song trên thực tế con số sẽ chỉ vào khoảng 60 tỷ và 35 tỷ euro.

Montaigne thậm chí còn lo ngại hơn về phương hướng hành động của 3 ứng cử viên còn lại do mức chi phí phát sinh liên quan chương trình của ông Hamon thuộc đảng cánh tả Xã hội và bà Le Pen - đại diện đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia - lần lượt là khoảng 100 tỷ và 200 tỷ euro, trong khi kế hoạch đề xuất của ứng cử viên Mélenchon sẽ khiến người dân Pháp phải đóng thêm 85 tỷ euro tiền thuế.

Theo một loạt bài viết khác cũng trên tờ Les Echos, ứng cử viên cánh hữu Fillon của đảng Những người Cộng hòa bị chỉ trích là “quá lạc quan" về chương trình kinh tế mà ông đề xuất. Ứng cử viên trung dung Macron được đánh giá là “đáng tin cậy nhất để vực dậy nền kinh tế Pháp”.

Tuy nhiên, kết quả thăm dò dư luận của hãng Elabe mới đây cho thấy ứng cử viên cực tả Mélenchon của phong trào "Nước Pháp bất khuất" lại là chính trị gia được người dân Pháp yêu thích nhất, với tỷ lệ lên tới 51%, trong khi đối thủ Macron chỉ nhận được 44%.

Trong khi đó, tờ Libération số ra ngày 7/4 lại hướng độc giả tới chính sách đối ngoại của 5 ứng cử viên nặng ký nói trên thông qua bài phỏng vấn các cố vấn của họ.

Theo đó, chính sách đối ngoại của các chính trị gia hàng đầu đều liên quan tới các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, vấn đề người di cư, quốc phòng, đoàn kết quốc tế và hoạt động của Liên hợp quốc.

>> Bầu cử Tổng thống Pháp: Ông Francois Fillon đang chịu sức ép phải rút lui

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục