Bên lề Kỳ họp Quốc hội: Mở rộng phạm vi điều chỉnh dự án Luật Phòng, chống tham nhũng

12:36' - 21/11/2017
BNEWS Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Bên lề Quốc hội, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc sửa đổi quy định về quản lý, kê khai tài sản thu nhập trong dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có lấp được khoảng trống của pháp luật hiện hành để xác định được khối tài sản bất minh của các cán bộ, quan chức hay không.
* Nhiều ý kiến khác nhau về đối tượng kê khai tài sản
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này đưa ra hai phương án về đối tượng kê khai tài sản (Điều 41).
Phương án 1: Theo hướng mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập trên tinh thần của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và sử dụng tài chính công, tài sản công.

Phương án 2: Theo hướng thu hẹp đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (có trọng tâm, trọng điểm và khắc phục tính hình thức), theo đó tập trung vào đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ cao (từ 0,7 trở lên ở cấp Trung ương và 0,9 trở lên ở cấp địa phương); một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 và là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước dễ xảy ra tham nhũng do Chính phủ quy định.
Nhiều đại biểu cho rằng, trước mắt nên giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương, những khu vực nhạy cảm mà thời gian qua phát sinh nhiều vụ việc tham nhũng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nếu kê khai rộng quá, nhiều quá cơ quan quản lý không kiểm tra hết; khi phát sinh, phát hiện mới đi thẩm tra sẽ không kịp thời, đúng lúc.

Theo đại biểu, khi đối tượng kê khai xong, cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, kiểm tra bản kê khai đó và đánh giá xem có thực tế hay không.

Nếu thấy không thực tế, cần yêu cầu phải kê khai bổ sung, hoặc có vấn đề bất minh tiếp tục đi kiểm tra.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản. Dẫn chứng nhiều cán bộ, công chức vai trò không lớn nhưng khi thực thi nhiệm vụ lại nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp để vụ lợi cho cá nhân, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc mở rộng đối tượng kê khai là cần thiết nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai trong công tác này.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, việc xác định đối tượng kê khai tài sản không quan trọng là rộng hay hẹp, nhiều hay ít mà phải cần dựa trên nghiên cứu thống kê và khuyến nghị của Tổ chức Minh bạch quốc tế về những lĩnh vực xảy ra nhiều tham nhũng.

Trong những lĩnh vực này, cần xác định vị trí, khả năng có nguy cơ tham nhũng; chẳng hạn có những ngành, vị trí chuyên viên trở lên đã có thể tham nhũng nhưng một số lĩnh vực phải là người có chức vụ, có quyền hành nhất định liên quan đến tài sản, tài chính.

Ngoài ra, theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, kê khai phải gắn liền với công khai tài sản.

Nhấn mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt vai trò của người dân rất lớn, đại biểu đề nghị phải công khai bản kê khai thu nhập ở nơi đối tượng kê khai cư trú thường xuyên để người dân giám sát.
* Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra hành vi tham nhũng
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đối với khu vực ngoài nhà nước.

Trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng phải coi phòng là chính. "Vậy phải tìm xem thất thoát nhà nước nằm ở đâu.

Khu vực ngoài nhà nước chính là các doanh nghiệp sân sau, thất thoát từ đây. Toàn bộ các dự án đầu tư công, vấn đề mua sắm tài sản, tiền nhà nước lọt ra ở chỗ này.

Cho nên phải đưa vào diện để Luật Phòng, chống tham nhũng bao phủ" - đại biểu đề nghị.
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang) quan tâm đến trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng (điều 92 đến điều 94).

Theo đại biểu, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định nội dung này nhưng khá chung chung.

Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn nội dung này theo hướng không chỉ người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra hành vi tham nhũng phải chịu hình thức xử lý kỷ luật mà những cơ quan liên đới cũng phải có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Ví dụ, trường hợp kế toán một trường học giả mạo chữ ký, rút tiền công quỹ, không những thủ trưởng đơn vị mà kho bạc, phòng Giáo dục và Đào tạo… phải bị xử lý.
Nhiều đại biểu kỳ vọng, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này với những điều luật cụ thể hơn sẽ đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng trong tình hình hiện nay, đồng thời thu hồi được tài sản tham nhũng cho Nhà nước./.
Xem thêm:

>>>Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Nhiều ý kiến trái chiều về phòng, chống tham nhũng

>>>Báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao vào năm 2019

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục