Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội lên tiếng sau các vụ bạo hành trẻ em

20:24' - 27/11/2017
BNEWS Ngày 27/11, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam chia sẻ với các cơ quan báo chí về các vụ bạo hành trẻ em.

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em, gần đây nhất là vụ bạo hành trẻ mới hơn một tháng tuổi ở Hà Nam và vụ việc bạo hành nhiều trẻ em ở Trường Mầm non Mầm Xanh, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh... gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ngày 27/11, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam chia sẻ với các cơ quan báo chí về các vụ bạo hành nêu trên và cho rằng những người trực tiếp làm việc với trẻ em cần được đào tạo kỹ lưỡng hơn, tiêu chuẩn nghề nghiệp cần nghiêm ngặt hơn.

Ông Đặng Hoa Nam cũng nêu rõ: Các tiêu chuẩn thành lập cơ sở chăm sóc trẻ em nói chung trong đó có cơ sở giáo dục mầm non cần chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt cần đảm bảo sự kiểm soát của tất cả các bên (cơ quan quản lý; cha mẹ học sinh; người quản lý cơ sở) trong việc chăm sóc trẻ em từng ngày từng giờ. Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp mang tính chất phòng ngừa những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Liên quan tới vụ việc bạo hành trẻ em tại Trường Mầm non Mầm Xanh, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, Cục trưởng cục trẻ em Đặng Hoa Nam chia sẻ, đây không phải lần đầu việc bạo lực trẻ em xảy ra ở trong các cơ sở giáo dục mầm non đặc biệt là ở một số cơ sở mầm non ngoài công lập (mầm non tư thục độc lập).

Vụ việc bạo lực trẻ em ở Trường Mầm non Mầm Xanh gây bức xúc cho dư luận khi mà video clip ghi lại sự việc cho thấy có nhiều giáo viên cùng bạo hành trẻ em. Khi nhận được thông tin, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kết nối thông tin với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn địa phương triển khai, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện các biện pháp khắc phục.

Hiện cơ quan công an đã tiến hành điều tra thu thập chứng cứ để xử lý nghiêm hành vi của những người bạo hành trẻ em. Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh đã từng bị tố giác có hành vi bạo lực với trẻ em...

Liên quan tới vụ việc bé gái ở Châu Thành, Kiên Giang bị cha đẻ bạo hành, ông Đặng Hoa Nam cho biết, khi nhận được thông tin, Cục Trẻ em đã kết nối, hướng dẫn UBND huyện đã thành lập hội đồng liên ngành xuống địa bàn gặp gỡ đối tượng, cùng với các cơ quan Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ và các tổ chức có liên quan khác triển khai các biện pháp can thiệp, cách ly để bảo vệ trẻ. Cơ quan công an cũng đã vào cuộc điều tra.

Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện đã đủ sức nghiêm minh để răn đe, xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Đặc biệt là Luật hình sự và Luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định chặt chẽ việc xử lý các hành vi bạo lực xâm hại trẻ em.

Đặc biệt bộ Luật hình sự năm 2015 được Quốc Hội thông qua vào năm 2017 quy định những hành vi xâm hại trẻ em là những hành vi luôn bị áp vào khung hình phạt cao, là tình tiết tăng nặng, xâm hại trẻ em cành nhỏ tuổi thì tình tiết tăng nặng càng nặng. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mạnh việc phản ứng nhanh, vào cuộc kịp thời để bảo vệ nạn nhân, phục hồi kịp thời cho nạn nhân khi xảy ra sự việc đáng tiếc.

Tuy nhiên, cần tăng cường giáo dục pháp luật để những người có ý định xâm hại trẻ em chùn tay không giám thực hiện; tăng cường giáo dục các kỹ năng cho cha mẹ, giáo viên trong việc giám sát, bảo vệ trẻ em...

Ông Đặng Hoa Nam khuyến nghị Bộ giáo dục và Đào tạo nhanh chóng triển khai biện pháp để tư vấn, tham vấn học đường. Hệ thống tham vấn trong trường học không chỉ giải quyết những vấn đề về bạo lực, tâm lý của học sinh mà cần giải quyết những vấn đề thuộc về tâm lý của giáo viên.

Mỗi giáo viên khi bước vào lớp học, bước lên bục giảng phải coi đấy là môi trường hoàn toàn không có bạo lực và để lại bên ngoài mọi bức xúc, áp lực của cá nhân...

Để hạn chế thấp nhất các vụ bạo hành trẻ em, Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng: Cần triển khai một cách có hiệu quả Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trẻ em.

Các địa phương cần bố trí đầy đủ nguồn lực, nhân lực để đảm bảo việc phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, trong đó có Đề án hỗ trợ phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em.

Ngân sách Nhà nước đảm bảo chi tất cả các dịch vụ để hỗ trợ trường hợp trẻ em có nguy cơ cao và trẻ em bị xâm hại, gồm cả chi phí để trẻ em tiếp cận tốt nhất các dịch vụ về y tế, trị liệu tâm lý, giáo dục...

Ông Đặng Hoa Nam đề nghị các địa phương sớm triển khai, phân bổ ngân sách, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách của trung ương hỗ trợ để xây dựng các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ trẻ em./.

>> Vụ bạo hành trẻ em tại Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh: Đủ điều kiện khởi tố hình sự

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục