Bốn "bộ mặt” khác nhau của Bắc Kinh ở khu vực Trung và Đông Âu

06:30' - 18/12/2017
BNEWS Việc Trung Quốc triển khai Sáng kiến "Vành đai và Con đường" đã thể hiện rõ 4 “bộ mặt” khác nhau của Bắc Kinh ở khu vực Trung và Đông Âu.
 Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Lý Khắc Cường (trái) tại lễ đón ở Budapest ngày 26/11. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là nhận định được đăng trên trang mạng Yale Global Online trong bài viết của tác giả Michał Romanowski, chuyên gia về các vấn đề Á-Âu của Quỹ German Marshall (Mỹ).
Tác giả Romanowski nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc tìm cách khôi phục “Con đường Tơ lụa” trong lịch sử đã giúp tăng cường quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước ở Trung và Đông Âu. Các chương trình đầu tư trong khuôn khổ sáng kiến này đã làm gia tăng "sức nặng" của cơ chế hợp tác “16+1” - diễn đàn chính trị kết nối Trung Quốc với khu vực Trung và Đông Âu. 

Hội nghị thượng đỉnh “16+1” vừa qua tại Budapest (Hungary) đã cho thấy các vai trò kết nối, đầu tư, định hình, đồng thời cũng là nhân tố thách thức của Trung Quốc đối với khu vực này.
Thứ nhất, Trung Quốc đang đóng vai trò nhân tố kết nối khu vực Trung và Đông Âu. Vạn Lý Trường Thành từng là biểu tượng lịch sử của chủ nghĩa biệt lập ở Trung Quốc, nhưng ngày nay Bắc Kinh đang là một trong những nhân tố chính thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa cũng như kết nối giữa các khu vực trên thế giới. 

Điều này đã khiến nhiều nước Trung và Đông Âu tìm cách xích lại gần với Bắc Kinh. Mong muốn kết nối với thị trường toàn cầu là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ chính trị giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực. 

Tính toán của các nước Trung và Đông Âu trong quan hệ với Trung Quốc thường chú trọng vào các lợi ích từ việc hợp tác kinh tế mà bỏ qua các “hiệu ứng phụ” đáng lo ngại khác liên quan. 

Thực tế, Trung Quốc đầu tư vào khu vực Trung và Đông Âu vì chính lợi ích của Bắc Kinh, chủ yếu tập trung vào các dự án chiến lược như sản xuất thép, hóa chất, xây dựng đường cao tốc và đường sắt cao tốc. 

Trung Quốc thực sự không cần các nước Trung và Đông Âu đóng vai trò “cầu nối với châu Âu” bởi Bắc Kinh đã khẳng định được sự gắn kết với châu Âu thông qua quan hệ thương mại và đầu tư với 4 nước lớn trong Liên minh châu Âu (EU) là Đức, Pháp, Italy và Anh. 

Ngược lại, Trung Quốc đang giúp kết nối các nước Trung và Đông Âu với phần còn lại của châu Âu nhằm buộc Brussels (Bỉ) phải chú trọng hơn đến vị thế của Bắc Kinh.
Thứ hai, Trung Quốc là một trong những nhân tố định hình khu vực Trung và Đông Âu. Việc triển khai chiến lược một cách mạnh mẽ của Trung Quốc đã tập hợp được các quốc gia ở Trung và Đông Âu trên cơ sở lợi ích kinh tế. 

Diễn đàn “16+1” đang dần trở thành một “câu lạc bộ” có quy tắc với các cuộc gặp cấp cao thường niên, điều phối viên hợp tác giữa các quốc gia thành viên và Ban Thư ký chung. Sáu hội nghị thượng đỉnh thường niên đã qua cho thấy mức độ hợp tác giữa các nước thành viên trong khuôn khổ này ngày càng được tăng cường. 

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn chưa thể hình thành được một khối thống nhất trong khu vực vì sự hứng khởi ban đầu đang dần bị các quan điểm thận trọng hơn trong hợp tác với Bắc Kinh thay thế.
Thứ ba, Trung Quốc là nhà đầu tư ở khu vực Trung và Đông Âu. Khoảng 10% các khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu đổ vào khu vực Trung và Đông Âu. Trong khi đó, khu vực này đã và đang nhận được 90% từ EU và Mỹ. 

Rõ ràng, Trung Quốc không phải là nhà đầu tư lớn ở khu vực Trung và Đông Âu. Mặc dù vậy, sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực có ý nghĩa quan trọng với hàng triệu USD đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ và giải trí. 

Trong những năm gần đây, chính sách đầu tư của Trung Quốc ở khu vực Trung và Đông Âu chủ yếu tập trung vào các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong khi ít chú ý đến các dự án đầu tư mới. 

Các dự án đầu tư của Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến "Vành đai và Con đường" thường kèm theo điều kiện dự án phải được các doanh nghiệp của Trung Quốc triển khai toàn bộ hoặc đa phần và chính phủ các nước nhận đầu tư phải bảo lãnh cho các khoản vay từ Bắc Kinh.

Chính sách này không chỉ làm gia tăng nguồn vốn của Bắc Kinh mà còn giúp nâng cao trình độ công nghệ và tay nghề của lực lượng lao động.
Với mô hình đầu tư này, vai trò của Trung Quốc ngày càng giống người cho vay hơn là nhà đầu tư. Việc dễ dàng tiếp cận các khoản vay từ Trung Quốc có thể trở thành mối đe dọa đối với các nước thành viên nhỏ trong khuôn khổ hợp tác “16+1” bởi nguy cơ bất ổn của nền kinh tế và tài chính do không kiểm soát được việc gia tăng nợ công. 

Khi Montenegro ký thỏa thuận xây dựng đường cao tốc với Trung Quốc hồi năm 2014 thì nợ công của nước này tăng tới 23%. Lo ngại về gánh nặng nợ công cũng khiến nhiều người Pakistan nghi ngờ đối với các cam kết đầu tư trị giá hơn 50 tỉ USD của Trung Quốc vào nước này nhằm triển khai Sáng kiến "Vành đai và Con đường".
EU cũng đang lo ngại đến việc thiếu nguyên tắc “có đi có lại” trong quan hệ thương mại, đầu tư với Trung Quốc. Mặc dù các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài của Bắc Kinh gia tăng nhanh chóng, song ở chiều ngược lại, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc vẫn bị hạn chế.
Thứ tư, Trung Quốc là nhân tố thách thức ở khu vực Trung và Đông Âu. Việc Trung Quốc tăng cường hiện diện kinh tế ở châu Âu khiến EU ngày càng chú ý hơn tới các hoạt động của Trung Quốc. 

Ban lãnh đạo EU và các nước thành viên lớn như Pháp, Đức coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh về chính trị, kinh tế ở khu vực Trung và Đông Âu cũng như trên bình diện toàn cầu.

Một loạt vụ mua bán và sáp nhập lớn trong năm 2016 và 2017, trong đó có công ty hóa chất Thụy Sỹ Syngenta và tập đoàn robot Kuka của Đức, đã khiến giới chức EU gần như “hoảng loạn”. 

Tháng 9/2017, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đề xuất cơ chế giám sát nhằm ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp EU trong các lĩnh vực nhạy cảm. Đức cũng đã siết chặt quy định liên quan đến việc sáp nhập doanh nghiệp và 11 nước thành viên EU khác cũng đang xem xét sửa đổi các quy định pháp lý liên quan.
Ngoài các mối lo ngại xuất phát từ các hoạt động của Trung Quốc ở các nước Tây Âu, việc Trung Quốc tăng cường can dự vào khu vực Trung và Đông Âu cũng được coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với EU. 

Gần đây, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel từng nhấn mạnh nếu EU không xây dựng được một chính sách thống nhất trong quan hệ với Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ thành công trong việc chia rẽ Liên minh.

Các dấu hiệu về nguy cơ này rất rõ ràng khi Hungary và Hy Lạp, hai nước thành viên EU nhận được nguồn đầu tư lớn từ Trung Quốc, đã ngăn cản việc Hội đồng châu Âu ra tuyên bố mạnh mẽ liên quan đến hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông hồi năm 2016. 

Nhiều quan chức châu Âu nghi ngờ rằng các dự án đầu tư hạ tầng của Trung Quốc vào khu vực Trung và Đông Âu có kèm theo các điều kiện về chính trị. Một số quốc gia trong khu vực sẵn sàng chấp nhận điều kiện này không chỉ nhằm tìm kiếm các khoản đầu tư mà còn tìm đối tác chính trị khác ngoài EU.

Với hàng chục tỉ USD vốn đầu tư cùng sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, sức mạnh tài chính của Trung Quốc là rất lớn.
Chuyên gia Romanowski kết luận: việc Trung Quốc thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa không chỉ đơn thuần là thiện chí của Bắc Kinh mà vì lợi ích quốc gia của chính nước này. Các nước khu vực Trung và Đông Âu cần xây dựng chính sách thực tế hơn, phù hợp với chính sách chung của EU trong quan hệ với Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục