Châu Phi trước sáng kiến "Vành đai và Con đường"

05:30' - 18/06/2017
BNEWS Trung Quốc rót hàng tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" nhằm kết nối một mạng lưới các quốc gia ở châu Âu, châu Á và châu Phi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatt tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế“Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua

Trang tin Allafrica mới đây có bài phân tích về khả năng và lợi ích khi châu Phi gia nhập sáng kiến "Vành đai và Con đường" do Trung Quốc khởi xướng.

Đây là bài phân tích của 3 tác giả Chris Alden, giảng viên trường Đại học Kinh tế và Khoa học Chính trị London; Elizabeth Sidiropoulos, giảng viên trường Đại học Witwatersrand (Nam Phi); và Yu Shan Wu, chuyên gia Học viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi (SAIRI).

Theo các tác giả, Trung Quốc rót hàng tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các quốc gia dọc Con đường Tơ lụa cũ, kết nối con đường này với một mạng lưới các quốc gia ở châu Âu, châu Á và châu Phi.

Trọng tâm của kế hoạch là hai tuyến đường: Con đường Tơ lụa trải dài từ châu Á đến châu Âu, và Con đường Tơ lụa trên biển bắt đầu từ Trung Quốc đi dọc theo duyên hải Ấn Độ Dương đến Đông Phi và sau đó là châu Âu.

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc bị đánh giá là quá tham vọng và khó có thể thực hiện được. Các nhà phê bình quốc tế cũng đang đặt câu hỏi về tác động tiềm tàng của nó đối với những nước không chính thức liên kết với các tuyến đường trên.

Đối với một số quốc gia, kể cả các nước thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), sáng kiến này đang thách thức trật tự toàn cầu hiện nay, thay thế trật tự toàn cầu hiện tại bằng một trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Câu hỏi được đặt ra hiện nay là châu Phi có vị trí như thế nào trong kế hoạch lớn này của Trung Quốc? Có ý kiến cho rằng sáng kiến đó có thể giúp lục địa này xây dựng cơ sở hạ tầng, một bước đi cần thiết cho tăng trưởng kinh tế của lục địa, đặc biệt là tiến trình công nghiệp hóa.

Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Thủ tướng Ethiopia, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ai Cập, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Tunisia đã tham dự hội nghị thượng đỉnh "Vành đai và Con đường" được tổ chức ở Bắc Kinh hồi tháng 5 vừa qua.

Sự có mặt của nhà lãnh đạo Kenya là đặc biệt quan trọng bởi vì khu vực Đông Phi là trọng tâm chính của sáng kiến "Vành đai và Con đường" trên lục địa này.

Mặc dù điều này có thể gây lo ngại cho các nước châu Phi khác, nhưng Trung Quốc cũng ủng hộ kế hoạch phát triển tự phát của châu Phi như đã được nêu trong Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi (AU).

Rõ ràng đã có sự hiệp lực mạnh mẽ của châu Phi với sáng kiến "Vành đai và Con đường", và điều đó hỗ trợ rất nhiều cho khả năng kết nối. Khi các quốc gia châu Phi bày tỏ sự quan tâm, Trung Quốc đã đáp lại, ít nhất là qua lời nói, ủng hộ việc đưa nhiều quốc gia châu Phi vào danh sách.

Tuy nhiên, theo các tác giả trên, điều này vẫn chưa đủ. Sự hỗ trợ từ các nước châu Phi là "chìa khóa" và sự thành công phụ thuộc vào việc các nước ở lục địa này có đảm bảo an ninh để bảo vệ môi trường đầu tư hay không?

Nói rộng hơn, các chính phủ châu Phi cần phải thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các dự án thành công, đặc biệt khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong dự án "Vành đai và Con đường" đầy tham vọng này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục