Brexit - cơ hội cho nước Anh tái khởi động nền kinh tế

13:06' - 31/07/2016
BNEWS Giới chuyên gia tại nước Anh nhận định rằng sau một thời gian dài án binh bất động, BoE sẽ bắt đầu hành động thông qua việc tung ra các biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế thời hậu Brexit.
Brexit - cơ hội cho nước Anh tái khởi động nền kinh tế. Ảnh: rediff.com

Việc cử tri nước Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, khó tránh khỏi gây ra những bất lợi cho kinh tế Anh, song đồng thời cũng đem đến những lợi ích và cơ hội nhất định, một trong số đó là giúp Chính phủ Vương quốc Anh "cài đặt" lại nền kinh tế.

Giới chuyên gia tại nước Anh nhận định rằng sau một thời gian dài án binh bất động, Ngân hàng Anh (BoE) sẽ bắt đầu hành động thông qua việc tung ra các biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế thời hậu Brexit.

BoE sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất dù rằng lãi suất hiện đang ở mức thấp kỷ lục 0,5%, đồng thời cân nhắc việc tăng lượng cung tiền và nới lỏng các điều kiện cho vay. Trong khi đó, Bộ Tài chính nước Anh cũng rục rịch chuẩn bị các gói hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Việc cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne tuyên bố từ bỏ mục tiêu đạt thặng dư ngân sách vào năm 2020 sẽ giúp cho tân Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond thêm phần “sáng tạo” trong tuyên bố mùa Thu. Tân Bộ trưởng có thể thực hiện các chính sách chi tiêu công mạnh tay hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Giống như bất kỳ cú sốc kinh tế trầm trọng nào trước đây, Brexit cũng sẽ mang tới một cơ hội để nước Anh sốc lại mình. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, các nhà lập pháp của đất nước này đã có thể thực hiện những biện pháp cải cách cấu trúc nền kinh tế một cách sâu rộng và triệt để.

Tuy nhiên, họ đã không làm vậy, thay vào đó họ hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào BoE trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua các biện pháp cắt giảm lãi suất và nới lỏng định lượng (QE). BoE đã tung ra chương trình “Cấp vốn để cho vay”, nhằm khuyến khích các ngân hàng tăng cường cho vay đối với hộ gia đình và giới doanh nghiệp.

Điều này đã giúp thị trường nhà đất ấm lên và cải thiện nền kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn lợi ích kinh tế của các chính sách hỗ trợ lại rơi vào tầng lớp trung -thượng lưu. Thực tế, nền kinh tế Anh đã không trải qua một đợt tái cấu trúc như giai đoạn Đại Suy thoái những năm 1930 hay trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 của thế kỷ trước.

Vào thời điểm hiện nay, có lẽ điều mà nước Anh cần hơn bao giờ hết là một giải pháp tổng thể với những điều chỉnh cơ bản trên ba lĩnh vực tiền tệ, tài chính, và cấu trúc kinh tế, tương tự như Abenomics - chính sách kích thích tăng trưởng “ba mũi tên” dựa trên ba cột trụ do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng.

Chính sách tiền tệ là công việc của BoE. Ngân hàng này chịu trách nhiệm ấn định lãi suất cơ bản, mua trái phiếu từ hệ thống ngân hàng để tăng lượng cung tiền và các chương trình kích thích chính sách tiền tệ như chương trình “Cấp vốn để cho vay” kể trên.

Lợi thế cơ bản của chính sách tiền tệ là nó mang lại con đường nhanh nhất khi chính phủ muốn tung ra các biện pháp kích thích tăng trưởng. Trên thực tế, đây cũng là những giải pháp phòng vệ đầu tiên mà Chính phủ nước Anh tính đến khi muốn hạn chế những nguy cơ trong giai đoạn hậu Brexit.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ nới lỏng mà nước Anh đang theo đuổi cũng chưa đảm bảo sẽ giúp được gì cho kinh tế "xứ sở sương mù". Liệu khả năng tiếp tục hạ lãi suất hiện ở mức thấp kỷ lục 0,5% hơn 7 năm qua xuống 0,25% hay thậm chí xuống 0% có gây tác động tích cực đến nền kinh tế nước này hay không.

Kinh nghiệm thời Đại Suy thoái trước đây cho thấy sau khi đã tăng lượng cung tiền thêm 375 tỷ bảng Anh thì việc tăng bổ sung 50 tỷ bảng cũng không giúp gì nhiều.

Trong khi đó, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về chính sách tài chính, bao gồm chính sách thuế và chi tiêu công. Trong cuộc Đại khủng hoảng tài chính 2008-2009, khi cả nền kinh tế trở nên rối loạn sau khi ngân hàng đầu tư Leman Brothers (Mỹ) phá sản, Bộ Tài chính đã cắt giảm thuế VAT, thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm kích cầu.

Tuy nhiên, trên thực tế Bộ này đã không thể hành động quá mạnh tay do những khó khăn về cân đối ngân sách.

Sự cẩn trọng trong chính sách tài chính bắt nguồn từ việc hệ thống tài chính công của nước Anh chịu tác động nặng nề bởi cuộc Đại khủng hoảng. Có hai thước đo để đánh giá thể trạng tài chính của một quốc gia, đó là thâm hụt ngân sách và nợ công. Trong giai đoạn đại khủng hoảng, thâm hụt ngân sách của nước Anh đạt mức cao kỷ lục, trong khi nợ công tăng gần gấp đôi.

Yếu tố thứ ba là tái cấu trúc nền kinh tế. Một cấu trúc kinh tế hiệu quả sẽ giúp nền kinh tế vận hành trơn tru, giúp cho sinh viên ra trường tìm được việc làm phù hợp, giới doanh nghiệp có thể tiếp cận được với những nguồn vốn dài hạn để phục vụ phát triển sản xuất.

Trong những năm 1980, nước Anh dường như đồng nhất khái niệm tái cấu trúc với việc loại bỏ công đoàn và tư nhân hóa các công ty nhà nước. Việc tái cấu trúc thực sự cần phải được tiến hành sâu rộng hơn cũng như đòi hỏi nước Anh phải kiên nhẫn hơn, điều mà nước này chưa làm được.

Trên thực tế, các nhà lập pháp thường cho rằng họ có thể thực hiện những điều chỉnh nhanh gọn để giải quyết triệt để những vấn đề phát sinh và âm thầm tích tụ trong nhiều thập kỷ.

Tất cả những vấn đề tồn tại bấy lâu, như dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài, phụ thuộc quá nhiều vào trung tâm tài chính London, thâm hụt thương mại phình to không ngừng, chênh lệch hiệu quả sản suất giữa các vùng, đã đưa đến sự lựa chọn Brexit. Số liệu thống kê cho thấy mối liên quan mật thiết giữa kết quả bỏ phiếu và tình trạng kinh tế của từng khu vực.

Vậy rốt cuộc Chính phủ Anh cần làm gì? BoE cần phải thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh hơn nữa trong tháng Tám nhằm củng cố niềm tin của thị trường và ngăn chặn khả năng nền kinh tế trượt vào suy thoái trong sáu tháng cuối năm.

Thủ tướng nước Anh dường như đã bật đèn xanh cho Bộ Tài chính, cho phép mạnh tay áp dụng nhiều biện pháp tài khóa. Đầu tư của khu vực tư nhân đã suy giảm kể từ cuộc Đại khủng hoảng và sẽ tiếp tục suy yếu trong giai đoạn hậu Brexit.

Vì vậy, chính phủ sẽ phải ra tay hỗ trợ. Có hai cách để Chính phủ nước Anh thực hiện điều này. Thứ nhất, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh việc vay vốn với lãi suất ưu đãi phục vụ các dự án đầu tư dài hạn. Không chỉ tập trung vào các dự án giao thông như đường xe lửa hay sân bay, nước Anh cũng phải chú trọng tới việc phát triển cơ sở hạ tầng điện tử và nguồn nhân lực.

Một trong những điểm yếu nhất trong cấu trúc kinh tế của nước Anh là tỷ lệ thất nghiệp của nhóm sinh viên mới ra trường với kiến thức ở mức căn bản. So với các nước phát triển, tỷ lệ này luôn đứng trong nhóm cao nhất.

Giải pháp thứ hai là sự phối hợp hài hòa giữa Bộ Tài chính và BoE. Theo đó, Bộ Tài chính phát hành trái phiếu phát triển hạ tầng và BoE là người mua trái phiếu thông qua chương trình QE.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục