Cà phê nguyên liệu giảm giá

16:20' - 27/01/2016
BNEWS Hiện nay, giá cà phê nhân (cà phê nguyên liệu) ở Tây Nguyên giảm chỉ còn 30.700 đồng đến 31.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với tuần trước và giảm trên 10.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, giá cà phê nguyên liệu (cà phê nhân) ở Tây Nguyên giảm chỉ còn 30.700 đồng đến 31.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với tuần trước và giảm trên 10.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nhân cà phê được phơi khô và đóng gói. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Việc cà phê nguyên liệu giảm sâu không những gây khó khăn cho các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê ở Tây Nguyên mà ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê cũng hạn chế mua vào, bán ra để tránh thiệt hại do biến động giá.

Tại Đắk Lắk, vùng trọng điểm cà phê của cả nước mặc dù mới thu hoạch sản lượng gần 450.000 tấn cà phê nhân nhưng phần lớn các nông hộ không vui vì giá càng ngày càng giảm, đồng bào hạn chế bán ra.

Theo tính toán của các nông hộ, với giá như hiện nay, nếu đầu tư thâm canh mỗi hécta chỉ đạt 2,5 tấn cà phê nhân thì hoà hoặc lỗ vốn nên các nông hộ đành găm hàng chờ giá lên mới bán hoặc bán ra rất ít.

Anh Y Hồng Niê ở buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar cho biết, gia đình anh có 4,5 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch, niên vụ vừa qua gặp thời tiết bất lợi, nắng hạn kéo dài, thiếu nước nên năng suất chỉ đạt bình quân 2,7 tấn cà phê nhân/ha. Trong khi đó, giá vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động đều tăng, với giá cà phê như hiện nay, gia đình tính ra chỉ hòa vốn.

Trong khi đó, anh Y Dắk Mlô ở xã Cư Pơng, huyện Krông Búk cho rằng, dẫu biết bán cà phê nhân lúc này là giá thấp, lỗ vốn nhưng cũng đành, vì bán đi mới có tiền mua phân bón, xăng dầu tưới cho cây cà phê, có tiền mua sắm Tết…

 Nhân công thu hoạch cà phê khan hiếm, giá thuê tăng mạnh so với năm ngoái. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN.

Ông Phạm Hồng Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh (Đắk Lắk) cho biết, trước tình hình cà phê nhân xuống thấp, công ty chỉ chú trọng ký hợp đồng trực tiếp với các nhà rang xay, chứ không bán cà phê qua khâu trung gian. Đồng thời, hạn chế ký hợp đồng ồ ạt, thoả thuận bàn giao hàng trong thời gian ngắn nhất để tránh thiệt hại do biến động về giá.

Công ty TNHH cà phê Đắk Man Việt Nam thì xác định, để tránh bị lao đao trên thị trường cà phê thế giới, Công ty chủ động thu mua cà phê nhân với số lượng có hạn và chuyển sang chế biến sâu để đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Trước tình hình cà phê nhân xuống thấp, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp không nên bán hàng giao theo thời hạn quá xa khi không có dự trữ hàng thực trong kho để tránh biến động về giá.

Cùng với đó, tỉnh Đắk Lắk cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh doanh với các đối tác trong, ngoài nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cà phê.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê trên 573.400 ha; trong đó diện tích cà phê đưa vào kinh doanh cho thu hoạch 532.499 ha, với sản lượng từ 1,2 triệu tấn cà phê nhân trong mỗi niên vụ trở lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục