Các nước sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới "chạy đua" tìm thị trường mới

20:17' - 13/09/2017
BNEWS Các nước sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới đang chạy đua tìm kiếm các thị trường mới, thậm chí còn ký kết cả những hợp đồng trao đổi hàng hóa "bất thường", như đổi dầu ăn lấy máy bay Sukhoi.

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới (sau Ấn Độ) đối với dầu cọ của cả Malaysia và Indonesia.

Hiện thị trường dầu cọ toàn cầu trị giá ít nhất 40 tỷ USD. Song hiện dầu cọ đang vấp phải sự phản đối tại châu Âu do ảnh hưởng của nó tới môi trường, cụ thể là nạn phá hủy rừng. Đây là lý do khiến các nước sản xuất dầu cọ đôn đáo tìm kiếm các thị trường mới, từ châu Phi đến Myanmar.

Dầu cọ được dùng trong hàng nghìn sản phẩm gia đình và cũng là nguyên liệu dùng trong chế tạo dầu diesel sinh học. Hiện diện tích trồng cọ tại Indonesia và Malaysia lên tới hơn 17 triệu hecta, làm giảm diện tích rừng mưa nhiệt đới, dẫn tới sự gia tăng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính - vốn được cho là nguyên nhân của hiện tượng ấm lên trên quy mô toàn cầu.

Xuất khẩu dầu cọ của Indonesia sang EU trong nửa đầu năm 2017 đạt 2,7 triệu tấn, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016. Indonesia tháng trước đã ký một thỏa thuận sơ bộ với Rostec của Nga để trao đổi hàng hóa (bao gồm mặt hàng cọ) trong khuôn khổ khoản thanh toán 1,14 tỷ USD để mua 11 máy bay Sukhoi.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Dầu Thực vật của Indonesia Sahat Sinaga cho biết, các nhà sản xuất dầu cọ sẽ mở một công ty tiếp thị và nghiên cứu tại Nga. Hiệp hội này cũng đang có kế hoạch mở một cơ sở dự trữ tại Pakistan.

Trong khi đó, Hội đồng Dầu Cọ Malaysia (MPOC) cho biết sẽ nỗ lực đa dạng hóa các thị trường mới như Myanmar, Philippines và Tây Phi. Malaysia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu cọ nhiều hơn Indonesia, xuất đi hơn 90% sản lượng dầu cọ năm 2016.

Trong khi đó, con số này của Indonesia là khoảng 70%. Theo ước tính của các chuyên gia phân tích, chi phí sản xuất tại Malaysia cũng cao hơn 10-15% so với Indonesia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục