Cách mạng công nghệ 4.0 – Công cụ giúp doanh nghiệp Việt vươn lên hội nhập

18:32' - 07/02/2018
BNEWS Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị từng bước, xác định những lĩnh vực phù hợp… để có giải pháp tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiệu quả.

Chiều 7/2, tại “Diễn đàn CEO và công nghệ”, do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp không nên quan ngại việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, với việc chủ động ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động quản trị doanh nghiệp sẽ thúc đẩy các công ty Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập tốt hơn.

Chủ động ứng dụng công nghệ

Theo đại diện Tập đoàn Deloitte Consunlting SEA, với đặc thù của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và môi trường đầu tư kinh doanh nội địa, các công ty nên nghĩ lớn nhưng làm nhỏ.

Cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị từng bước, xác định những lĩnh vực phù hợp… để có giải pháp tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiệu quả. Nếu thử nghiệm thất bại thì doanh nghiệp nên kịp thời chuyển hướng, còn nếu triển khai thành công ở quy mô nhỏ, đó là nền tảng cơ sở để bắt đầu triển sang quy mô lớn.

Việt Nam có thế mạnh là Chính phủ cũng như các bộ, ngành đang rất quyết tâm và có nhiều cơ chế chính sách làm “bệ đỡ” cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là số hóa.

Cùng với đó, Việt Nam có các lợi thế về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin có để đáp ứng việc đổi mới sáng tạo, nắm bắt ứng dụng hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tăng năng suất, cắt giảm chi phí và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cụ thể trong lĩnh vực bán lẻ, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Giám đốc điều hành Tiki.vn, cho hay dữ liệu của từng doanh nghiệp chưa đủ để đầu tư kinh doanh hiệu quả, nên cần liên kết với các công ty lớn để tăng nguồn dữ liệu của công ty.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động hội nhập và hợp tác, nhằm tăng lợi ích cộng hưởng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Thông qua đó, doanh nghiệp Việt sẽ học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận thị trường quốc tế, ứng dụng công nghệ; đồng thời hoà nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách thuận lợi hơn và giảm thiểu rủi ro hơn so với việc tự thực hiện một cách độc lập.

Còn bà Nguyễn Linh Trang, Phó Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho biết Saigon Co.op đã phối hợp với Công ty Nghiên cứu và Đo lường hiệu quả hoạt động toàn cầu (Nielsen) để xây dựng cơ sở dữ liệu người tiêu dùng.

Đây là quyết định được cân nhắc khá lâu, tuy nhiên để phát triển bền vững và hướng đến những kết quả nghiên cứu thị trường chính xác, Saigon Co.op đã triển khai để hỗ trợ cho hoạt động đầu tư kinh doanh minh bạch và hiệu quả hơn.

Trong đó, Saigon Co.op tập trung vào mãng hàng hoá và khách hàng, chủ yếu tìm ra những giải pháp cũng như phương thức hoạt động phùi hợp trên những cơ sở dữ liệu đã thống kê, phân tích kết hợp với sự tư vấn của các chuyên gia trong ngành.

Đầu tư thương mại điện tử

Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục được mở rộng, với nhiều mô hình mới mẻ trong những năm gần đây. Doanh nghiệp thương mại điện tử cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới của thế giới, đã và đang đầu tư cho website thương mại điện tử một cách chuyên nghiệp, hướng vào xây dựng phiên bản website dùng trên các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng... phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tạo thói quen mua sắm hiện đại của người tiêu dùng trên môi trường mua sắm trực tuyến.

Theo kết quả khảo sát của Nielsen, tăng trưởng bán hàng trực tuyến của các sản phẩm tiêu dùng nhanh đang vượt trội hơn doanh số bán hàng tại các kênh cửa hàng bán lẻ và dự đoán doanh số bán hàng trực tuyến của các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh sẽ vượt qua doanh số bán hàng tại các kênh cửa hàng bán lẻ trong vòng năm năm tới.

Một số doanh nghiệp cũng nhận định tiềm năng phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam còn rất khả quan vì giao dịch thương mại điện tử nói chung, giao dịch trên thiết bị di động nói riêng (mobile commerce) ngày càng phổ biến, trong khi đó việc thanh toán trực tuyến cũng đơn giản, tiện dụng hơn trước đây.

Tuy nhiên, qua khảo sát trực tiếp với nhóm website thương mại điện tử hàng đầu hiện nay như Thegioididong, Tiki, Sendo, Lazada, Adayroi, Hotdeal… của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, cho thấy kết quả hoạt động năm 2017 tuy khá hơn năm 2016 nhưng nhìn chung vẫn còn khó khăn.

Cụ thể, hầu hết doanh nghiệp thương mại điện tử đều đang gặp khó khăn về tài chính sau thời gian dài đầu tư cho quảng cáo, truyền thông trực tuyến, buộc phải “tái cấu trúc” doanh nghiệp theo hướng thu gọn phạm vi hoạt động, tập trung nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh thông tin, hiện nay trên địa bàn thành phố có 127.099 website hoạt động, tăng 31% so với năm 2016. Trong đó, có 62.529 website hoạt động ổn định; đồng thời có khoảng 1.500 website của các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, từ thiện...

Bên cạnh đó, theo số liệu ước tính doanh thu thương mại điện tử tại Tp. Hồ Chí Minh trong năm 2017 tăng trưởng khoảng 20% và có quy mô chiếm 40% thị trường thương mại điện tử cả nước; ước đạt 53.870,4 tỷ đồng, chiếm 5,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Như vậy về tổng thể, hoạt động thương mại điện tử tại Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng về quy mô, phù hợp với xu hướng phát triển mô hình phân phối đa kênh (Omni channel) - kết hợp giữa thương mại trực tuyến với thương mại truyền thống./.

>>>Thu hút FDI cần tính tới cách mạng công nghiệp 4.0

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục