Cải cách chỉ thành công khi doanh nghiệp cùng vào cuộc

15:46' - 21/06/2016
BNEWS Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được tiếp cận kịp thời các nội dung sửa đổi của chính sách thuế có lợi cho doanh nghiệp.
Cải cách chỉ thành công khi doanh nghiệp cùng vào cuộc. Ảnh minh họa: TTXVN

Cuộc Hội thảo Cải thiện Môi trường kinh doanh thông qua cải cách thuế được tổ chức ngày 21/6 tại Hà Nội đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp; trong đó mấu chốt phải kể tới là làm thế nào để giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và đạt nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế.

Tuy nhiên, hầu hết ý kiến tham dự hội thảo chủ yếu là của cơ quan nhà nước, chuyên gia, gần như không có ý kiến trực tiếp từ phía doanh nghiệp.

Tiết lộ về khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, ông Phạm Ngọc Thạch, Ban Pháp chế VCCI cho biết, cơ quan này đã khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp, nhận được phản hồi hơn 2.500 doanh nghiệp. Tỷ lệ phản hồi cỡ khoảng 27%. Phần lớn, người nhận trả lời là giám đốc và kế toán trưởng doanh nghiệp.

Kết quả cho thấy, 51% doanh nghiệp phản hồi cho rằng dễ tiếp cận văn bản, pháp luật, chính sách thuế của trung ương; 79% cho biết thông tin về thủ tục hành chính thuế là sẵn có, dễ tìm.

70% doanh nghiệp được khảo sát từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế. Khi gặp vướng mắc đại đa số doanh nghiệp gửi câu hỏi tới cục thuế các tỉnh. Trong đó, tỷ lệ hài lòng với việc giải đáp vướng mắc của cơ quan này là 77%.

Trước con số đưa ra này của VCCI, Phó Giáo Sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên cho rằng, số phiếu thu về quá ít so với số được khảo sát. Con số này cho thấy phần nào cải cách chưa thực sự thu hút được cộng đồng doanh nghiệp.

“Chúng ta vẫn phải xử lý nhiều vướng mắc bằng công văn, thông tư do kịch bản lường trước vấn đề xảy ra trong quá trình cải cách chưa thực sự tốt”. Bà Liên cho biết.

Theo bà Liên, để thực hiện tốt quá trình cải cách, trình độ chuyên môn của cán bộ thuế rất quan trọng. Bởi có giỏi chuyên môn mới bắt đúng bệnh, khi đó, doanh nghiệp mới nghe, phục.

Trước vấn đề này bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam đánh giá, thời gian qua, ngành thuế có nhiều nỗ lực trong việc cải cách thủ tục, hành chính thuế. Tuy nhiên, hiện còn nhiều khó khăn đối với người nộp thuế trong thực hiện tuân thủ pháp luật thuế.

Cụ thể, một số địa phương muốn thu hút đầu tư đưa ra các ưu đãi không đúng với văn bản pháp luật quy định chính thống, có sự khác biệt quan điểm giữa trung ương và địa phương. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được tiếp cận kịp thời các nội dung sửa đổi của chính sách thuế có lợi cho doanh nghiệp.

Chính sách đổi mới nhanh, cơ sở hạ tầng truyền thông, cơ sở dữ liệu chưa đổi mới, đáp ứng kịp thời nên lỗi trong thực thi. Ví dụ phần mềm hỗ trợ kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Công tác thanh tra, kiểm tra theo tiêu chí rủi ro là khoa học và hướng đến minh bạch.

Tuy nhiên, tiêu chí chưa cụ thể nên trong thực thi còn gặp khó khăn đối với cán bộ, công chức và người nộp thuế.

Theo đánh giá của Tổng Cục Thuế, ngành thuế đạt một số kết quả nhất định trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính thuế.

Có thể kể đến như: thống nhất thời điểm ghi nhận doanh thu cho mục đích thuế với các chuẩn mực kế toán đối với dịch vụ. Bên cạnh đó, bỏ quy định doanh nghiệp phải tự xây dựng định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa sử dụng.

Đặc biệt, đơn giản hóa cách viết, sử dụng hóa đơn, bỏ quy định cơ quan thuế xác định số lượng hóa đơn đăng ký của doanh nghiệp. Tính đến ngày 31/12/2014, số doanh nghiệp khai thuế điện tử đạt 97%.

Đến 31/12/2015 có 98,95% doanh nghiệp khai thuế điện tử; 92% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục