Niềm tin được củng cố, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng hơn 91%

16:47' - 05/07/2025
BNEWS Tháng 6/2025, hơn 24.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng mạnh so với tháng trước và cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động cũng vượt doanh nghiệp rút lui, cho thấy tín hiệu phục hồi rõ nét.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê, Bộ Tài chính công bố sáng 5/7, trong tháng 6/2025, cả nước có hơn 24,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 176,8 nghìn tỉ đồng và số lao động đăng ký gần 137,2 nghìn lao động, tăng 61,4% về số doanh nghiệp, tăng 12,8% về số vốn đăng ký và tăng 39,8% về số lao động so với tháng 5/2025.

 

So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 60,5%; số vốn đăng ký tăng 21,2% và tăng 49,9% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 7,2 tỉ đồng, giảm 30,1% so với tháng trước và giảm 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, cả nước còn có 14,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 79,5% so với tháng trước và tăng 91,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có 91,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 820,9 nghìn tỉ đồng, tăng 11,8% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 9 tỉ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2025 là hơn 2,7 triệu tỉ đồng, tăng 89,0% so với cùng kỳ năm 2024.

Cả nước có hơn 61,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2024), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong sáu tháng đầu năm lên hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có gần 25,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, trong tháng đầu năm 2025 có 813 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 20,0 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 3,4%; gần 70,4 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 14,5%.

Cũng trong tháng 6, có 6.433 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 8,6% so với tháng trước và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2024; gần 10,1 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 54% và tăng 86,2%; có 2.761 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 44,6% và tăng 59,6%.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, số tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 80,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; hơn 34 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 18,3%; hơn 12,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3%. Bình quân mỗi tháng có gần 21,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Những số liệu thống kê về hoạt động của doanh nghiệp cả nước tháng 6 nói riêng và 6 tháng đầu năm nói chung đang thể hiện sinh động cho triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Hầu hết các số liệu đều cho thấy doanh nghiệp kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm nay.

Bà Trịnh Thị Hương, Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính cho biết, điểm nhấn đặc biệt quan trọng trong bức tranh doanh nghiệp 6 tháng năm 2025 là lần đầu tiên sau nhiều tháng trở lại đây, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường cao hơn số doanh nghiệp rút lui. Cụ thể, số doanh nghiệp gia nhập cao gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng (152,7 nghìn so với 127,1 nghìn).

Điều này cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế đang được củng cố rất mạnh mẽ. “Những kết quả ấn tượng trên là sự khẳng định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 68-NQ/TW, đã bắt đầu đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ lực lượng kinh tế tư nhân phát triển, đóng góp vào một nền kinh tế độc lập, tự chủ và bền vững”, bà Hương nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các rủi ro từ sự bất ổn của kinh tế toàn cầu cũng như sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Vì vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược linh hoạt, tận dụng cơ hội từ chuyển dịch chuỗi cung ứng và tiêu dùng nội địa để duy trì tăng trưởng bền vững trong năm 2025.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục