Làm giàu rừng đầu nguồn, cải thiện khả năng lưu giữ nước

16:38' - 05/07/2025
BNEWS Chương trình “Water of Life: Vì một Việt Nam xanh” tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ với 60 ha rừng đầu nguồn và mô hình giáo dục “Trải nghiệm thiên nhiên cùng Mizuiku” tại vườn quốc gia năm 2025.

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cùng Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam (Suntory PepsiCo Việt Nam) tổ chức Lễ khởi động hoạt động năm 2025 của chương trình “Water of Life: Bảo tồn nguồn nước - Vì một Việt Nam xanh” và ra mắt sáng kiến “Trải nghiệm thiên nhiên cùng Mizuiku” hướng đến giáo dục về tầm quan trọng của rừng và nguồn nước triển khai tại các vườn quốc gia trên cả nước.

 

Sau 1 năm ký kết Bản ghi nhớ hợp tác cùng Suntory PepsiCo Việt Nam, ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết, hai bên đã cùng triển khai những hoạt động ý nghĩa, đặc biệt là chương trình trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, làm giàu rừng tại một số khu vực rừng phòng hộ trên cả nước với tên gọi “Water of Life - Vì một Việt Nam xanh”. Chương trình này không chỉ là một dấu ấn tiêu biểu của hợp tác công - tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, mà còn là một cách tiếp cận mới đầy sáng tạo trong quản lý tài nguyên rừng và nguồn nước tại Việt Nam.

Nhận thức được giá trị to lớn của rừng đối với đời sống con người cũng như sự phát triển bền vững, Chương trình “Water of Life: Bảo tồn nguồn nước – Vì một Việt Nam xanh” triển khai từ năm 2024 hoạt động trồng mới và chăm sóc rừng đầu nguồn. Chỉ trong vòng một năm, chương trình đã đạt được kết quả tích cực với 35 ha rừng đầu nguồn được phủ xanh tại các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An và Cà Mau, trên nền tảng các hoạt động phủ xanh rừng đầu nguồn mà Suntory PepsiCo Việt Nam đã thực hiện từ năm 2021.

Năm 2025, chương trình được nhân rộng với mục tiêu trồng 60 ha rừng đầu nguồn tại các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bình Phước và Long An. Những khu vực được ưu tiên lựa chọn để trồng rừng là rừng đầu nguồn có vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng lưu giữ nước, giảm xâm nhập mặn và tăng cường an ninh nguồn nước cho người dân.

Chương trình hướng tới đa mục tiêu: bảo tồn nguồn nước, trung hòa khí carbon và cải thiện sinh kế cộng đồng, với tầm nhìn đến năm 2050 là hoàn trả cho thiên nhiên nhiều hơn lượng nước mà Suntory PepsiCo sử dụng trong toàn bộ hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Trọng tâm của mô hình được thiết kế gắn liền với người dân và chủ rừng địa phương, tập trung nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng thông qua hoạt động đào tạo kỹ thuật về trồng rừng, trồng xen canh, qua đó người dân địa phương được trang bị kiến thức, hiểu rõ giá trị của rừng và có cơ hội cải thiện sinh kế một cách bền vững.

Không dừng ở các hoạt động trồng rừng, hiểu được việc bảo tồn nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên gắn liền với giáo dục, năm 2025, chương trình ra mắt sáng kiến “Trải nghiệm thiên nhiên cùng Mizuiku” – mô hình giáo dục môi trường gắn với thiên nhiên đầu tiên tại Việt Nam được triển khai theo hình thức hợp tác công – tư giữa Suntory PepsiCo Việt Nam và Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm.

Sáng kiến kết hợp giữa trải nghiệm thực tế tại rừng và nội dung hoạt động giáo dục về tài nguyên nước, hệ sinh thái rừng và phát triển bền vững hướng đến học sinh và trẻ em. Qua đó, tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục thông qua trải nghiệm cho học sinh ở các địa phương, tăng cường nhận thức về vai trò của rừng, thúc đẩy lối sống xanh, truyền cảm hứng và tình yêu cùng trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên của các bạn trẻ. Mô hình sẽ thí điểm tại ba vườn quốc gia (Tam Đảo, Xuân Liên, Cát Tiên) trong năm 2025 và nhân rộng ra cả nước trong các năm tiếp theo.

Ông Ashish Joshi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam chia sẻ: Thông qua chuyến trải nghiệm được thiết kế sinh động, học sinh sẽ có cơ hội tiếp cận trực quan với những kiến thức khoa học về rừng và nước một cách gần gũi, hứng thú; từ đó hiểu về vai trò thiết yếu của rừng trong đời sống con người và môi trường sinh thái. Hi vọng với sự gắn bó, kết nối với thiên nhiên sẽ là nền tảng để hình thành một thế hệ công dân có trách nhiệm với môi trường trong tương lai.

Trong giai đoạn hợp tác 2024 – 2028, sáng kiến “Trải nghiệm thiên nhiên cùng Mizuiku” sẽ được triển khai tại 15 – 20 vườn quốc gia, hướng tới đào tạo gần 100 cán bộ nòng cốt tại các vườn quốc gia, từ đó tổ chức trải nghiệm cho hơn 4.500 em học sinh tiểu học trên cả nước, ông Ashish Joshi cho biết.

Ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm mong muốn, hai bên sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả và nhân rộng sáng kiến “Hộ chiếu Vườn quốc gia”; hỗ trợ xây dựng mô hình 60 ha rừng trồng và phục hồi tại Thái Nguyên, Bình Phước và Long An, đặc biệt ưu tiên tại các lưu vực có vai trò cung cấp nước cho các khu dân cư và nhà máy; tham gia Chương trình trao đổi và Thúc đẩy Hợp tác phát triển bền vững tại Nhật Bản năm 2025. Đặc biệt, hai bên sẽ xây dựng thí điểm triển khai mô hình “Trải nghiệm thiên nhiên cùng Mizuiku”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục