Cải cách thuế trong ASEAN: Khó do "vênh" về trình độ phát triển

07:46' - 16/01/2016
BNEWS Sự chênh lệch về trình độ phát triển được coi là yếu tố chính cản trở sự hình thành thị trường chung ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự Phiên toàn thể của Hội nghị cấp cao ASEAN 27. Ảnh: Đức Tám/TTXVN.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập nhằm mục đích tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các nước ASEAN, thúc đẩy dòng luân chuyển tự do về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN.

Mục tiêu của AEC là thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, kiến lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao mà với năng lực cạnh tranh này, ASEAN có thể hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

AEC hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích về thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư dựa trên lợi thế không gian của một thị trường mở và nâng cao tính cạnh tranh.

Để điều này trở thành hiện thực, các nước ASEAN cần có những điều chỉnh và bổ sung về chính sách một cách phù hợp và kịp thời, trong đó có cải cách và cập nhật chính sách thuế, tạo sức bật cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

“Muôn màu” chính sách thuế

Trên lộ trình chuẩn bị cho sự ra đời AEC, nhiều quốc gia ASEAN gấp rút cải cách hệ thống quy định, chính sách để thu hút dòng vốn của nhà đầu tư ngoại. Trong đó, yếu tố quan trọng trong việc thu hút giới đầu tư nước ngoài của một quốc gia là tỷ suất thuế/Tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ thuế và phí của Thái Lan và Malaysia là 15,5% GDP, trong khi con số tương ứng của Indonesia là 12,1% GDP.  Đáng chú ý Philippines là quốc gia dẫn đầu trong việc đánh thuế cao ở mọi loại hình.

Thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 30%, vượt xa các nước khác. Myanmar áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tới 40%, nhưng chỉ áp dụng với các công ty nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước vẫn được hưởng mức thuế suất vừa phải với 5%.

Nhiều quốc gia ASEAN gấp rút cải cách hệ thống quy định, chính sách để thu hút dòng vốn của nhà đầu tư ngoại. Ảnh: Reuters/TTXVN.

Philippines cũng là nước đứng đầu về việc áp dụng thuế VAT cao tới 12%, trong khi Thái Lan và Indonesia có mức thuế quan cũng thuộc loại cao. Tuy nhiên, với trường hợp của Thái Lan, 20% thuế doanh nghiệp chỉ thuộc hạng trung bình.

Ngoài ra, Ủy ban giám sát đầu tư của Thái Lan vừa đưa ra hai chương trình mới. Theo đó, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty thuộc hai chương trình sẽ được giảm xuống 10% đối với doanh nghiệp Thái Lan.

Ngược lại, Indonesia lại muốn tăng thuế đánh vào doanh thu của các công ty lên 30% trong năm 2015, một động thái có thể đẩy thuế nhập khẩu hàng tiêu dùng từ 10 đến 150%.

Song Indonesia xóa thuế đánh vào hàng xa xỉ. Đồng nghĩa người dân sẽ không phải trả loại thuế này khi mua các mặt hàng như ô tô, đồ hiệu, đồ điện tử…, nhưng vẫn phải đóng thuế giá trị gia tăng. Trước đây, Indonesia đánh thuế hàng xa xỉ lên tới 75%.

Theo đánh giá của giới phân tích, nhìn chung trọng khu vực ASEAN, Singapore và Brunei vẫn được coi như các “thiên đường thuế” cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp với nhiều loại thuế bằng 0%.

Còn theo Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, ngay từ năm 2010, tại các nước ASEAN-6 (gồm các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Brunei) gần như toàn bộ các loại thuế đã được loại bỏ (99,2%).

Tại các nước thành viên mới như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, cũng đã có gần 98% các dòng thuế được đưa xuống mức trung bình 0,5%.

Khoảng 170 tiêu chuẩn kỹ thuật tại các nước ASEAN đã được hài hòa hóa. Trong thương mại dịch vụ, các nước ASEAN đã giảm hạn chế thương mại qua biên giới trong 80 lĩnh vực và đa số các lĩnh vực này cho phép nước ngoài sở hữu.

Đột phá để hội nhập

AEC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại nội khối với việc hình thành thị trường chung, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, và lao động có kỹ năng sẽ được dịch chuyển tự do hơn, giống như trong thị trường nội địa, đồng thời dòng vốn trong khu vực cũng được dịch chuyển tự do hơn.

Với việc hình thành thị trường chung như vậy, AEC cũng hướng tới tạo lập một cơ sở sản xuất thống nhất khu vực để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh hơn xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.

Tuy vậy, giữa các nước ASEAN còn có sự chênh lệch về trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh. Chính vì thế, các nước ASEAN cần có những chính sách phù hợp, trong đó có chính sách thuế để thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả hơn.

Các nước ASEAN cần có những chính sách phù hợp để thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả hơn. Ảnh: Reuters.

Thách thức đầu tiên là, sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển với các nước thành viên AEC. Trước khi hình thành thị trường chung, các nước EU đã có trình độ phát triển tương đối cao về kinh tế nên hội nhập khu vực đã ngay lập tức mang lại lợi ích kinh tế lớn cho các nước thành viên.

Trong khi đó, các nước thành viên ASEAN rất đa dạng về mô hình nhà nước, chính trị, văn hoá và có sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển.

Khoảng cách giữa các nước trong khu vực là không nhỏ. Tính theo GDP bình quân đầu người, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam ở mức thấp hơn nhiều so với Singapore. Chỉ số phát triển con người (HDI) cũng có sự khác biệt đáng kể giữa các nước ASEAN.

Theo bảng xếp hạng của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc năm 2013, Lào đứng thứ 139, Campuchia (136), Myanma (150), trong khi các thứ hạng đầu thuộc về Singapore (9), Brunei (30) và Malaysia (62).

Sự chênh lệch về trình độ phát triển được coi là yếu tố chính cản trở sự hình thành thị trường chung ASEAN.Việt Nam cũng như các nước thành viên AEC sẽ phải xây dựng những chính sách khác nhau để cân bằng giữa cam kết xây dựng cộng đồng kinh tế chung và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội trong nước.

Tiếp đến, năng lực cạnh tranh thấp cả trên phương diện quốc gia và doanh nghiệp là thách thức thứ hai. Năng lực cạnh tranh của các nước ASEAN không đồng đều.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, Singapore tiếp tục giữ vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu,trong khi nhóm nước gồm Lào, Campuchia, Myanma có thứ hạng năng lực cạnh tranh thấp, lần lượt đứng thứ 83, 90 và 131.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục