Hỗ trợ từ chính sách thuế và hải quan

11:01' - 06/08/2015
BNEWS Ngay từ đầu năm 2015, Bộ trưởng Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế phải giảm thời gian kê khai nộp thuế xuống còn không quá 121,5 giờ/năm, bằng mức trung bình của ASEAN-6.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị trong ngành tài chính. Bộ Tài chính đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, về cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trong chương trình "Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời"
Ngay từ đầu năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế phải triển khai quyết liệt, cắt giảm 45,5 giờ nộp thuế để thời gian kê khai nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm, bằng với thời gian trung bình của các nước ASEAN-6. Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu các đơn vị trong ngành rà soát giảm tối thiểu 10% số thủ tục hành chính thuế, đơn giản hóa tối thiểu 20% số thủ tục hành chính thuế theo hướng: giảm số chứng từ trong hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế; sửa đổi, bổ sung 100% quy trình liên quan đến kê khai, nộp thuế của người nộp thuế theo nội dung cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo đánh giá của ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, các giải pháp, chính sách cải cách gần đây và định hướng đổi mới trong thời gian tới sẽ ngày càng góp phần tạo thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh. Nhưng để những chính sách đó được đưa vào cuộc sống, đảm bảo tính khả thi, ngoài nỗ lực của các cơ quan quản lý trong xây dựng, triển khai thực hiện thì các doanh nghiệp cũng cần chủ động đề xuất, đóng góp cho xây dựng, cải cách thể chế, chính sách đồng thời nắm bắt có phương án sản xuất kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp tận dụng những cơ hội mới về mặt chính sách để nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ông Thi cho biết, những cải cách trong chính sách thuế tập trung vào sửa đổi, bổ sung đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, quản lý thuế cũng đã phần nào hỗ trợ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Đơn cử như về thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp dệt may đáp ứng tiêu chí xuất khẩu bị ngừng ưu đãi thuế do thực hiện cam kết WTO được lựa chọn để hưởng ưu đãi thuế theo các điều kiện doanh nghiệp đáp ứng cho thời gian ưu đãi còn lại theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm được cấp Giấy phép thành lập hoặc tại các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm điều chỉnh do cam kết WTO.

Trong quản lý thuế, với các sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2013/NĐ-CP cũng giúp mở rộng diện được áp dụng biện pháp ưu tiên trong quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đối với doanh nghiệp có qui mô đầu tư lớn, dự án trọng điểm quốc gia, dự án đầu tư ưu tiên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trước khi cấp phép đầu tư. Nâng mức doanh thu doanh nghiệp được khai thuế Giá trị gia tăng theo quý từ 20 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng, qua đó giảm số lần khai thuế Giá trị gia tăng từ 12 lần/năm còn 4 lần/năm. Doanh nghiệp khai thuế và quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp theo năm (không phải khai thuế theo quý như trước đây) đã giảm số lần khai thuế thu nhập doanh nghiệp từ 5 lần/năm còn 1 lần/năm…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Viện Nghiên cứu và Chính sách (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), trong cải cách các chính sách, quan trọng nhất là phải xác định động lực tăng trưởng kinh tế là khu vực tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và là khu vực tự do trong nền kinh tế thị trường. Chính sách phải “đổ dồn” vào khu vực này như cải cách thể chế hành chính để thúc đẩy khu vực tư nhân. “Chính sách phải có tầm nhìn và có môi trường kinh doanh thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, ta vẫn dựa nhiều vào nhà nước, doanh nghiệp FDI thì sẽ không duy trì được sự hội nhập bền vững”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng cũng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên đây là việc tất yếu phải làm vì cạnh tranh chính sách thuế giữa các nước trong khu vực. Nếu không giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì không thu hút được vốn và doanh nghiệp nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam.

Không chỉ có những thay đổi mang tính tích cực hơn trong chính sách thuế, lĩnh vực hải quan cũng có nhiều cải cách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt là việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN bước đầu đã đem lại được lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao được sức cạnh tranh quốc gia trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Túc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, khi triển khai đầy đủ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên Cơ chế một cửa quốc gia, ước tính hầu hết hồ sơ do doanh nghiệp phải nộp, xuất trình sẽ được đơn giản hóa và điện tử hóa. Qua đó giảm thời gian và chi phí cho chuẩn bị chứng từ, hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính.

“Khi áp dụng cho lĩnh vực đăng kiểm, doanh nghiệp sẽ rút ngắn được khoảng 4/5 thời gian làm thủ tục; đối với các lĩnh vực khác, mục tiêu đề ra là rút ngắn được khoảng từ 15 – 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính”, ông Túc nói.

Theo ông Nguyễn Văn Túc, việc áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia còn đem lại lợi ích lâu dài, là cơ hội để chuyển đổi phương thức hoạt động sẵn sàng cho quá trình hội nhập hướng ra các thị trường có môi trường kinh doanh và hành chính chủ yếu là “phi giấy tờ”. Ngoài việc đơn giản hóa các hồ sơ, chứng từ áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, thì Cơ chế một cửa cũng tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu khi các cơ quan nhà nước của Việt Nam có thể trao đổi chứng từ điện tử với các cơ quan nhà nước tại nước nhập khẩu.

Mới đây, Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương phối hợp thử nghiệm Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), cho phép trong điều kiện cụ thể, những nhà xuất khẩu hay nhà sản xuất có thể tự khai báo xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn thương mại hoặc chứng từ khác. Cơ quan Hải quan nước nhập khẩu kiểm tra nội dung khai báo của doanh nghiệp và hồ sơ lô hàng (không có C/O) để xem xét cho hàng hóa hưởng ưu đãi.

Theo Tổng cục Hải quan, đây là cơ chế với những quy định và cách thức kiểm tra hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có quy định liên quan hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, trong các Hiệp định mà Việt Nam đang đàm phán, đặc biệt là Hiệp định xuyên Thái Bình Dương, một trong những nghĩa vụ mà Việt Nam phải thực hiện khi gia nhập Hiệp định này là thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Do vậy, giai đoạn chuẩn bị để tiếp cận, xây dựng các quy định trong nước về cơ chế này đóng vai trò quan trọng để Việt Nam tuân thủ cam kết quốc tế, cũng như đảm bảo triển khai hiệu quả, tạo thuận lợi thương mại./.

Hoàng Tùng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục