Cần có nguồn nhân lực chất lượng cao cho sản xuất công nghiệp

17:36' - 07/04/2016
BNEWS Sự chia sẻ của các chuyên gia công nghiệp, các doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo đã mang lại những chỉ dẫn thực tiễn cho các nhà công nghiệp Việt Nam
Khai mạc Triển lãm Vietnam Manufacturing Expo 2016. Ảnh:TTXVN

Nằm trong chuỗi sự kiện Triển lãm Vietnam Manufacturing Expo 2016, hội thảo "Phát triển Việt Nam trở thành Trung tâm sản xuất của ASEAN trên cơ sở mối quan hệ hợp tác và hội nhập” đã được tổ chức ngày 7/4, tại Hà Nội.

Hội thảo với sự chia sẻ của các chuyên gia công nghiệp, các doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo đã mang lại những chỉ dẫn thực tiễn cho các nhà công nghiệp Việt Nam tìm hiểu cách thức nâng cao năng suất lao động, tạo động lực làm việc thông qua cải thiện chất lượng môi trường làm việc và đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Theo ông Lê Lộc, Giám đốc điều hành Công ty TNHH An Việt Long (chuyên sản xuất trong lĩnh vực máy bay điều khiển từ xa), mặc dù có lực lượng lao động dồi dào, cần cù, nhưng hiện nay nguồn lao động có chất lượng cao tại Việt Nam vẫn còn quá ít. Vì thế hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt những lĩnh vực đòi hỏi tính chính xác cao còn rất yếu so với các nước liền kề như Thái Lan, Trung Quốc...

Cùng với đó là quan niệm về chất lượng, tính hiệu quả trong công việc của người lao động vẫn còn trì trệ, khó thay đổi, khiến cho từng doanh nghiệp đơn lẻ không thể đáp ứng yêu cầu chất lượng của nước ngoài và khó tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Vì thế, giải pháp trước mắt để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể bắt kịp xu thế hội nhập là phải có sự hợp tác, để xây dựng các nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, với nguồn nhân lực mạnh hơn, đáp ứng yêu cầu chất lượng, giao hàng một cách tốt nhất.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Kazutoyo Sasaki, Giám đốc Công Ty TNHH Sayen Việt Nam cho hay, khả năng để người lao động Việt Nam thao tác trên từng máy móc là rất tốt.

Nhưng để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, cần rất nhiều công đoạn và trải qua nhiều máy móc, thiết bị khác nhau. Đây chính là vấn đề tồn tại trong quá trình sản xuất tại Việt Nam.

"Với nhiều công đoạn như thế, làm sao có thể duy trì tính chính xác, hiệu quả tuyệt đối ở mỗi công đoạn, thì Việt Nam chưa làm được điều đó", ông Kazutoyo Sasaki bày tỏ.

"Vì thế nên việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam vẫn rất khó khăn. Thiết bị, máy móc có hiện đại, nhưng thiếu đi thao tác, thiếu thông tin kỹ thuật từ người lao động thì sẽ là sự lãng phí rất lớn.

Nhiều doanh nghiệp đối tác Việt Nam khi nhận việc nhưng lại không thể hoàn thành đúng như hạn định và điều này luôn làm khó cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Việt Nam muốn phát triển và đạt hiệu quả cao, trước tiên cần có được nguồn nhân lực chất lượng, tính chuyên nghiệp và chính xác cao. Có như vậy mới tạo được uy tín với các đối tác nước ngoài", ông Kazutoyo Sasaki nhấn mạnh.

Hội thảo cũng đã có phiên thảo luận, chia sẻ những thông tin, cơ hội kinh doanh và bài học thành công trong ngành công nghiệp hỗ trợ từ các diễn giả; kiến thức để tối ưu hóa cơ hội mở rộng thị trường nhờ cải thiện năng suất lao động.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục