Cần loại bỏ những bất cập trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp

16:37' - 11/08/2016
BNEWS Cần nhìn tổng thể các luật, để loại bỏ bất cập. Nhất là bất cập khi triển khai dự án đầu tư, các dự án liên quan nhiều luật như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đất đai…
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Tại Hội thảo Luật sửa đổi bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 11/8, tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng nên loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết như chủ trương chấp thuận đầu tư…nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó CIEM cho rằng, cần nhìn tổng thể các luật, để loại bỏ bất cập. Nhất là bất cập khi triển khai dự án đầu tư, các dự án liên quan nhiều luật như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đất đai…
Theo ông Hiếu, dù liên quan nhiều luật nhưng tập trung đến 3 cơ quan chính là Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư nên mỗi lần cần tham mưu, UBND cấp tỉnh lại lấy ý kiến ở 3 sở này, gây ra sự trùng lặp, khiến nhà đầu tư mất nhiều chi phí và thời gian.
“Chúng ta cần thống nhất thủ tục chủ trương đầu tư chỉ là lựa chọn nhà đầu tư. Có đất sẽ chọn 1 trong 3 hình thức: đấu giá, đấu thầu, chỉ định nhà đầu tư. Sau đó nên cho doanh nghiệp tiến hành song song các thủ tục khác như phòng cháy chữa cháy, môi trường…”, ông Hiếu nói.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, chủ trương đầu tư khi thực hiện dự án cực kỳ quan trọng. Nếu ở địa phương, khi Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư thì cứ thế thực hiện các thủ tục tiếp theo. Lãnh đạo tỉnh đồng ý thì cấp dưới không thể từ chối thực hiện.
“Chúng ta đang làm ngược lại quy trình so với thế giới. Đáng ra nhà nước phải giải phóng mặt bằng, kêu gọi nhà đầu tư nhưng chúng ta làm ngược lại. Nhà đầu tư xin chủ trương đầu tư trước và nhờ nhà nước giải phóng mặt bằng sau. Nhà nước chỉ quản lý trên quy hoạch phù hợp và sử dụng đất hợp lý”, ông Cung nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, để thực hiện dự án đầu tư phải qua khoảng 24 bước ở nhiều cơ quan khác nhau; trong đó quy định nhiều luật, văn bản pháp luật nên gây chồng chéo.
Ông Hiển cho rằng, cần công khai minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính, công khai tìm nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặt", chạy được dự án rồi mới vay vốn đầu tư sau.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Cty TNHH địa ốc Đất Lành (TP.HCM) kiến nghị về quy hoạch cần quy về đầu mối, chỉ quận hoặc sở quyết định.

Hiện nay, vừa do sở, vừa do quận khiến doanh nghiệp chạy lên chạy xuống nhiều lần. Về việc sử dụng đất, đề nghị đưa ra mức giá chung của nhà nước, không phải qua nhiều khâu dễ xảy ra tiêu cực.
“Về thẩm định thiết kế, công trình cấp 1 là do Bộ Xây dựng thẩm định. Chúng tôi đề nghị Chính phủ ủy quyền cho các tỉnh, thành phố thẩm định. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Xây dựng trả lời trong tháng 6 nhưng giờ đến tháng 8 vẫn chưa nhận được trả lời”, ông Đực nói.
Theo Phó Giám đốc Cty TNHH địa ốc Đất Lành, chúng ta đang hướng tới xây dựng một thành phố thông minh nên đề nghị điện tử hóa các hoạt động của chính quyền. Tất cả hồ sơ thủ tục đều thực hiện qua trang web công khai, để tránh tiêu cực.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục