Chiến lược ngoại giao ASEAN củng cố ổn định khu vực

06:30' - 30/06/2017
BNEWS Thành công của ASEAN trong việc thúc đẩy sự đoàn kết trong đa dạng được ví như "ngọn hải đăng" cho một thế giới đầy bất ổn hiện nay.
Chiến lược ngoại giao ASEAN củng cố ổn định khu vực. Ảnh: moit.gov.vn

Bài viết trên "Diễn đàn Đông Á" số mới ra đặt câu hỏi: Tại sao Malaysia và Singapore có thể chung sống hòa bình sau cuộc “ly hôn” của họ năm 1965, mà Israel và Palestine dường như lại không thể?

Tại sao Indonesia (quốc gia Hồi giáo đông dân nhất ở khu vực Đông Nam Á), dân số gấp hơn 4 lần Ai Cập (quốc gia Hồi giáo đông dân nhất ở Trung Đông), lại nổi lên như "ngọn hải đăng" của nền dân chủ, trong khi Ai Cập không thể trở thành một nền dân chủ ổn định và thịnh vượng?

Indonesia và Ai Cập đều phải hứng chịu tình trạng tham nhũng và trải qua hàng chục năm cai trị bởi chế độ quân sự, dưới thời Hosni Mubarak ở Ai Cập và Suharto ở Indonesia. Ai Cập hiện vẫn nằm dưới chế độ quân trị trong khi Indonesia nổi lên như một nền dân chủ hàng đầu trong thế giới Hồi giáo.

Điều gì giải thích cho sự khác biệt này? Câu trả lời đó là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thành công của ASEAN trong việc thực hiện chiến lược ngoại giao suốt 50 năm qua đã trở thành một trong những câu chuyện đáng để suy ngẫm.

Nếu người ta nhìn xung quanh thế giới để tìm kiếm khu vực hứa hẹn nhất cho hợp tác quốc tế, Đông Nam Á có lẽ sẽ đứng ở vị trí cuối cùng của bản danh sách.

Với 240 triệu tín đồ Hồi giáo, 130 triệu người theo đạo Tin lành, 140 triệu Phật tử và 7 triệu người Hindu, Đông Nam Á là khu vực đa dạng nhất trên thế giới. Trong những năm 1960 của thế kỷ trước, khi ASEAN được thành lập, khu vực này đã được ví như “Balkan của châu Á”, do cạnh tranh địa chính trị và tranh chấp lãnh thổ.

ASEAN giờ đây là một tổ chức quan trọng hơn bao giờ hết, trở thành một khu vực trung gian quan trọng cho sự can dự của các cường quốc. Sự năng động và khả năng kết nối của ASEAN được thể hiện qua hàng trăm cuộc họp đa phương mỗi năm trên nhiều lĩnh vực hợp tác, từ thương mại cho đến an ninh, quốc phòng.

Một ví dụ điển hình cho sự thành công trong chiến lược ngoại giao của ASEAN diễn ra hồi năm 2007. Tháng 8/2007, thế giới bị sốc khi chứng kiến các nhà sư tại Yangon bị bắn trong các cuộc biểu tình đường phố để phản đối chính quyền quân sự bất ngờ bỏ trợ cấp nhiên liệu dẫn đến giá cả hàng hóa tăng vọt chỉ sau một đêm.

Kể từ khi ASEAN kết nạp Myanmar làm thành viên chính thức của khối này hồi năm 1997, đã có những áp lực đối với các nước ASEAN trong việc đưa ra một tuyên bố chỉ trích những vụ nổ súng tại quốc gia này.

Là một thành viên ASEAN, Myanmar có hai lựa chọn: một là phủ quyết tuyên bố chung của ASEAN hoặc tách mình khỏi tuyên bố đó. Khi đó, 9 nước thành viên còn lại vẫn sẽ ra tuyên bố chỉ trích Myanmar. Ngoại trưởng Myanmar Nyan Win đã nhất trí rằng tất cả 10 quốc gia, bao gồm Myanmar, nên tán thành bản tuyên bố. Đây là một quyết định thật sự đáng ghi nhận.

Tóm lại, ngay cả khi có những bất đồng giữa Myanmar và các nước thành viên ASEAN, Myanmar vẫn quyết định gắn bó với tổ chức này, chứ không lựa chọn đứng ngoài lề. Qua đây có thế thấy, bằng chiến lược ngoại giao ASEAN can dự thành công vào chế độ quân sự Myanmar.

ASEAN trở thành một khu vực trung gian quan trọng cho sự can dự của các cường quốc. Ảnh: Reuters

ASEAN thực sự có khả năng thúc đẩy hòa bình ở ngoài khu vực. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày một gia tăng, khi nhiều nhà tư tưởng địa chính trị hàng đầu thế giới nhận định rằng trong lúc cạnh tranh và căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, thì ASEAN đã tạo ra một nền tảng ngoại giao không thể thiếu thu hút tất cả các cường quốc.

Trong ASEAN, nền văn hóa hòa bình đã phát triển nhờ sự hấp thụ phong tục musyawarah và mufakat của Indonesia (tham vấn và đồng thuận). Hiện giờ, ASEAN bắt đầu chia sẻ văn hóa hòa bình này với khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn.

Khi căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, các lãnh đạo của hai nước này cảm thấy khó có thể ngồi nói chuyện được với nhau, ASEAN đã trở thành cầu nối trực tiếp để khởi động lại cuộc đàm phán. Đặc biệt, ASEAN đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc bằng cách tạo ra một khuôn khổ làm dịu các hành động hung hăng.

Một trong những điều kỳ diệu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là cuộc xung đột giữa các cường quốc đã được ngăn chặn, cho dù có những thay đổi về quyền lực giữa các nước lớn trong khu vực. Tất nhiên, lý do cho việc thiếu vắng sự xung đột rất phức tạp.

Sự trung lập của ASEAN giúp tổ chức giữ vai trò trung tâm trong khu vực là một yếu tố quan trọng trong việc gìn giữ ổn định và hòa bình của khu vực. Điều đó là hết sức quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị Trung Quốc - Mỹ gia tăng.

Lợi ích của Mỹ và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu ASEAN bị tổn hại hoặc bị tan rã. Mặc dù ASEAN vẫn còn có những khiếm khuyết nhưng chính sách và chiến lược ngoại giao của tổ chức này xứng đáng nhận được sự đánh giá cao và nghiên cứu của cộng đồng quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục